“Tướng” Hải & “tọa độ” 13

Chiều qua, HLV Lê Thụy Hải đã nhận lời về Bình Dương. Về trong giai đoạn đội bóng này đang đứng trước hàng loạt những khó khăn và ngồi lên chính chiếc ghế mà 4-5 năm trước ông đã từng ngồi. Chiếc ghế ấy thật nóng nhưng ông Hải vẫn thản nhiên nhận xét rằng nóng hay không còn tùy thuộc vào tư thế người ngồi ...…

“Tướng” Hải & “tọa độ” 13 ảnh 1
Ông Lê Thụy Hải làm HLV cho đội Bình Dương ở giải hạng nhất mùa bóng 2002. Ảnh: Hoàng Vy

Ông Lê Thụy Hải đi đến đâu cũng để lại dấu ấn chuyên môn đến đấy. Nghịch hẳn với tai tiếng mà ông được thừa nhận là “không ngồi lâu một chỗ” vì cá tính rất đặc biệt của ông.  

Những người thuê ông Hải làm HLV giờ vẫn còn không ít người nhận xét ông kiêu căng. Họ bực với cá tính và lối ăn nói huỵch toẹt trước mặt mọi người và dễ làm những người lãnh đạo “mất mặt”, nhưng phải thừa nhận về chuyên môn ông giỏi thật.

Ngày đầu tiên bóng đá hai miền Nam – Bắc gặp nhau sau ngày thống nhất đất nước, Lê Thụy Hải khoác áo Tổng cục Đường sắt đã làm nhiều người ngạc nhiên thay đổi nếp suy nghĩ cầu thủ miền Bắc chỉ đá thể lực chứ kỹ thuật thì rất hiếm. Trận Đường sắt gặp Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất lúc ấy, Thụy Hải thật ấn tượng với cú đảo người qua trung vệ Tam Lang sút thủng lưới Lưu Kim Hoàng khiến bao cặp mắt tròn xoe vừa ngạc nhiên, vừa thán phục.

Thụy Hải thời cầu thủ đá bóng nổi tiếng chơi kỹ thuật. Chính vì thế mà tuổi gần 40 ông vẫn ra sân đá với các cầu thủ trẻ và vẫn lấn lướt. Nếu sự nghiệp cầu thủ Hải thuộc loại có hạng thì sự nghiệp HLV của ông nổi lên bởi cá tính ngang tàng của một người “làm thuê” đòi đúng cái quyền “làm thợ” trên hàng ghế chỉ đạo của mình.

Lần trước khi nhận lời về làm HLV Bình Dương, ông thẳng thắn đặt điều kiện với Giám đốc Sở TDTT: “Hãy để tôi toàn quyền quyết định về anh em cậu Dũ, cậu Khanh, những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phong độ và lối chơi toàn đội”. Và ông đã làm được điều mà nhiều người tiền nhiệm ông thường chịu trận về sự sa sút “có điểm rơi” của toàn đội. Nhưng cá tính quá mạnh của ông và cá tính của ông Giám đốc Sở thời bấy giờ đã không hòa hợp được với nhau.

Lúc về LG.Hà Nội.ACB, ông thẳng thắn mời ông bầu Kiên lên trên khán đài với câu nói: “Anh không thể ngồi trong khu kỹ thuật mà chỉ đạo chuyên môn được. Nếu anh muốn làm thì tôi sẽ lên khán đài để anh làm…”. Bầu Kiên hồi ấy nổi tiếng là người chém tướng thế mà cũng phải chịu ông.
Về Đà Nẵng, ông sẵn sàng đặt tất cả lên bàn cân, trong đó có một quy định cụ thể: “Chuyên môn là của tôi.

Nếu ai sắp xếp đội hình được hoặc ai chỉ đạo cầu thủ được thì tôi nghỉ để người đó làm”. Ông làm thay đổi những “quy luật” ở đội bóng sông Hàn và bất chấp những cầu thủ về Đà Nẵng gần lãnh đạo và muốn ra sân từ sức ép ở trên dội xuống đầu HLV. Ông sẵn sàng cho Huỳnh Đức ngồi ghế dự bị và “nhốt” Ludovic dài dài trong khu kỹ thuật dù Đà Nẵng đã tốn biết bao tiền của, công sức cho việc nhập quốc tịch Việt Nam cho Ludovic.

Ông nắn một đội bóng luôn bị chi phối về chuyên môn bởi ông giám đốc sở và cả cấp trên của ông giám đốc chạy theo đúng cái quỹ đạo của bóng đá do những người làm bóng đá chịu trách nhiệm về chuyên môn và sẵn sàng đánh đổi chiếc ghế của mình bằng thành tích mà bóng đá Đà Nẵng chưa bao giờ có được khi khoác áo chuyên nghiệp: Hạng nhì V-League và mở ra một triều đại mới với kỳ tích tìm được chiến thắng trên sân khách sau hơn 3 năm 6 tháng không biết thắng khi làm khách. Thành tích mà khi ông chưa về, trong cuộc họp của Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, một lãnh đạo đã tuyên bố nếu đội bóng không vào được top 5 thì phải giải tán.

Lê Thụy Hải nổi tiếng với máu “giang hồ” trong bóng đá và cái chất lãng tử của một tay du mục. Chiều qua, ông thản nhiên ngồi xem các cầu thủ Bình Dương tập với tâm trạng thật thoải mái bất chấp lãnh đạo CLB và những người trải thảm mời ông về ruột gan cứ sôi lên khi Bình Dương rơi xuống đáy bảng. Ông thản nhiên trả lời phỏng vấn báo chí và bình luận ngoài lề về cơn sóng dữ của Bình Dương mà ông sẽ phải gánh vác lấy trách nhiệm của vị tân thuyền trưởng bắt đầu một cuộc vượt cạn từ “tọa độ” 13 (hạng 13).

Ông vẫn tỉnh rụi và vẫn cười thật tươi trên mảnh đất và trên chiếc ghế sát tướng. Ông bình thản đón nhận dù ai cũng nói là ông cắm đầu vào đá vì nhìn vào rừng sao và nhìn vào tai nạn của ông Vương Tiến Dũng, ông Đoàn Minh Xương ai cũng thấy khó và lo cho ông. Thế nhưng với những người thân thiện thì Lê Thụy Hải vẫn thản nhiên: “Không khó, không đâm đầu vào đá thì không phải là Thụy Hải”.

Hy vọng với bến đậu mới sau tai nạn lên đội tuyển về dứt hợp đồng (tại Đà Nẵng) Lê Thụy Hải vẫn giữ được cái chất của mình trong một đội bóng có quá nhiều vấn đề ngoài chuyên môn.

Ông đã chấp nhận ngồi vào cái ghế sát chủ trong giai đoạn ai cũng sôi lên chỉ trừ ông vẫn bình thản sẵn sàng cho một cuộc cải tổ.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục