Nguyễn Kim Hằng, cái tên đầy nữ tính nhưng gương mặt và lối chơi thì không nữ chút nào. Kim Hằng khi còn là cầu thủ đã nổi tiếng là một trung vệ dữ dằn vừa sắt thép, vừa đá đau mà đá kín. Trong cương vị HLV trưởng thì “tướng” Hằng nổi tiếng với lần đưa Hải Quan lên ngôi vô địch năm 1991 và nhiều lần trụ hạng sau đó…

HLV Nguyễn Kim Hằng.
“Tướng” Hằng nổi tiếng là người giỏi liệu cơm gắp mắm. Bằng chứng là cái hồi TPHCM còn đủ ba đội thì Hải Quan của ông Hằng luôn là đội yếu về lực lượng nhưng lại hiệu quả nhất về lối chơi. Cái thời mà Cảng có ưu tiên số một về người và CA.TPHCM có nhóm năng khiếu lứa Minh Chiến, Liêm Thanh, Hứa Hiền Vinh… thì Hải Quan của “tướng” Hằng vẫn phải đi bắt quân phong trào và lấy cầu thủ ngoại tỉnh dạt về.
Ông Hằng có cái hay là tạo ra một đội bóng mà các chân sút chân đất ở hạng phong trào lẫn được đào tạo cơ bản từ trường lớp ra và cả những ngôi sao một thời đều có thể nhập chung cùng một lối đá. Điển hình như Lưu Tấn Liêm, Trương Văn Dưỡng có thể đá tốt với Đinh Thanh Hải.
Năm ấn tượng nhất của Nguyễn Kim Hằng là năm ông đưa một Hải Quan èo uột đi thẳng một lèo đến chức vô địch trên sân nhà sau khi thắng Đà Nẵng (lúc ấy được xem là bách chiến bách thắng) bằng loạt sút luân lưu sau hai cuộc lội ngược dòng. Năm ấy Kim Hằng vừa làm tướng (chỉ đạo) lại cũng vừa cầm súng (ra sân đá). Sau đó ông còn nhiều lần đưa Hải Quan lắp ghép đoạt 2 chiếc Cúp Quốc gia với lực lượng vừa năng khiếu vừa phong trào.
“Tướng” Hằng nổi tiếng với những mối quan hệ trong hàng ngũ bóng đá Việt Nam mà nhiều người nể phục, cái tài ai ông cũng có thể chơi được. Đấy cũng là lý do vì sao mà có thời gian ông được Đà Nẵng mời về làm Giám đốc Kỹ thuật, được Huế thỉnh về làm HLV trưởng rồi được An Giang xin về giúp đội nhà.
Là một HLV không được đào tạo cơ bản nhưng ông Hằng lại có tố chất rất đặc biệt của một người thầy mà cầu thủ thường xem là người anh nhiều hơn. Ông thẳng thắn đến bộc trực và yêu ghét rõ ràng, nên cũng có nhiều đàn em sẵn sàng sống chết vì ông và ngược lại.
Khi Thép Pomina Tiền Giang túng quẫn và bị dồn vào thế hết cửa thì ông nhận lời về giúp lại cũng là giúp đội bóng quê hương ông (sinh tại Cái Bè – Tiền Giang).
Khác với những HLV khác thường nhìn đến thực lực và đến mức lương, Kim Hằng thì lại thích lăn vào chỗ khó mà nói như nhiều người là chỗ chết.
Cầu thủ thì non, tài chính thì yếu, đến cả thế với các đội và với ban tổ chức cũng không có, thế mà Kim Hằng lại nhận lời với niềm tin giúp đội bóng quê hương thoát hiểm vào phút cuối.
Hình như không ai tin vào điều ấy trừ ông. Cũng có người nói ông “điên” đâm đầu vào chỗ chết nhưng ông vẫn mặc kệ.
Nhận đội bóng với thời gian chuẩn bị thật ngắn, ông hiểu điều thay đổi lớn nhất là làm sao để cầu thủ có được niềm tin khi vẫn còn lẹt đẹt ở đáy bảng. Ông lấy cái kinh nghiệm của một cầu thủ ra dạy hơn là giáo điều của một người thầy, người HLV từng trải. Ông trang bị cho cầu thủ mình niềm tin và muốn giải tỏa cái đầu trước rồi thì mới làm nhẹ được đôi chân.
Vòng 16 vừa qua trong trận ra mắt đầy khó khăn trên sân Hàng Đẫy, đúng là cái đầu của cầu thủ ông đã thoải mái hơn rất nhiều và đôi chân của họ đã nhanh nhẹn hơn, thoải mái hơn so với trước đây như cứ đeo chì. Ông giải tỏa đước gánh nặng tâm lý và trang bị cho họ sự khao khát của một đội bóng vẫn còn cửa. Đấy là lý do mà đến giờ, ông luôn mạnh mẽ tự tin nói rằng Tiền Giang sẽ không rớt. Ông tính đến một suất play-off (dù rất khó) và tin có play-off thì có khả năng trụ hạng.
Thời gian vẫn còn dài và thử thách còn rất lớn nhưng với một trận “chung kết” ngay buổi ra mắt vừa qua thì Thép Pomina Tiền Giang được rất nhiều sau lần tưởng đã mất tất cả.
Tất cả được bắt đầu từ một vị “tướng” sống với “lính” như một người anh sẵn sàng chia sẻ tất cả những khó khăn.
Đấy cũng là một đặc điểm rất riêng của “tướng” Hằng.
NGUYỄN NGUYÊN