Tương lai mờ ảo

Tương lai mờ ảo

Thị trường sách điện tử trong nước

Được đánh giá là hình thức thưởng thức sách của tương lai, sách điện tử (ebook) chính thức vào Việt Nam khoảng năm 2011 - 2012 với kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, đem đến cho bạn đọc một phương thức đọc sách mới lạ, thuận tiện. Tuy nhiên, đến nay, ebook trong nước dù có phát triển nhưng hoàn toàn không như kỳ vọng, tương lai của ebook vẫn bị xem là mờ ảo, không rõ ràng, nhất là khi những trở ngại phía trước còn quá lớn.

Vũng lầy sách lậu

Ngay khi ebook bắt đầu vào Việt Nam, vấn nạn ebook lậu được xem như là một thách thức không nhỏ. Các đơn vị kinh doanh ebook đều có những chính sách riêng ngay từ đầu để tìm cách đối phó như Sachweb của NXB Tổng hợp TPHCM triển khai đọc thử sách miễn phí trực tuyến, Ybook của NXB Trẻ thì bán ebook với giá “rẻ hơn cả tờ vé số”... Tất cả nhằm hướng bạn đọc đến với sách thật, sách có bản quyền.

Thế nhưng, thực tế hiệu quả rất thấp, ebook lậu tràn ngập khắp mọi nơi và thậm chí còn có sự phát triển về công nghệ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Trước đây, ebook lậu chủ yếu được cung cấp theo dạng file dữ liệu thông qua các trang web, người đọc tải các bản ebook lậu này về máy để xem. Sau này, những kẻ cung cấp sách lậu còn viết hoặc chỉnh sửa các phần mềm (app) cung cấp ebook, người dùng chỉ cần tải một phần mềm về các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể tiếp cận với đủ loại sách khác nhau. Một số ít các app thu tiền trực tiếp nhưng đa số cho đọc miễn phí và thu lợi từ các quảng cáo tích hợp bên trong.

Giới thiệu ebook tại Hội Sách TPHCM

Có hai lý do chính của sự tràn lan ebook lậu, đầu tiên phải kể đến việc thiếu cương quyết trong xử lý nguồn cung ebook lậu. Trước đây, các app ebook lậu thường đến với người dùng thông qua các kho app quốc tế chính là Appstore cho các máy của hãng Apple và CH Play cho các máy dùng hệ điều hành Android của Google. Ở các kho app này, khi đơn vị trong nước phát hiện ebook lậu có thể khiếu nại và theo quy định trong một khoảng thời gian nếu app bị khiếu nại không giải trình được thì sẽ bị xóa khỏi kho. Tuy nhiên, với việc ngày càng có nhiều kho app lậu Việt được mở như Appvn…, Hip… thì ebook lậu đã có sự chuyển hướng qua những kho app này để tiếp cận người đọc.

Lý do thứ hai là có một thực tế, ebook lậu hiện đa dạng hơn nhiều so với ebook có bản quyền. Ybook, một trong các đơn vị được coi là xuất bản ebook hàng đầu hiện nay có khoảng hơn 4.000 đầu sách, các nhà phát hành ebook lớn nhất trong nước hiện nay như Alezaa, Waka cũng chỉ có vài ngàn đến tối đa là khoảng 10.000 đầu sách. Trong khi đó, số ebook lậu trên thị trường ước tính khoảng từ 40.000 - 50.000 đầu sách. Dĩ nhiên sách lậu không thể so sánh với sách thật về độ chính xác, hình thức, tính liên kết…, thậm chí đa số chỉ ở dạng văn bản thô nhưng rõ ràng sự chênh lệch quá lớn về số lượng ebook cũng đang khiến ebook thất thế. Với chi phí để sản xuất một ebook đúng chuẩn thấp nhất hiện nay là khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng thì để ebook thật cạnh tranh về số lượng với ebook lậu còn là một hành trình gian nan.

“Loạn 12 sứ quân”

“Loạn 12 sứ quân” là từ ví von của một chuyên gia trong lĩnh vực ebook để miêu tả tình hình thị trường ebook Việt hiện nay. Hiện có khoảng hơn 10 đơn vị tham gia thị trường ebook như Sachweb của NXB Tổng hợp TPHCM, Ybook của NXB Trẻ, Greelane của NXB Kim Đồng, Komo của Phương Nam, Alezza của Vinapro, Anybook của Viettel, mới đây có thêm Waka của Công ty Bạch Minh và cả sự tham gia của các nhà sách trực tuyến như Tiki, Vinabook…

Và mỗi đơn vị làm ebook có một app riêng để đọc ebook do đơn vị mình phát hành, Ybook có Ybookreader, Vinabook có Vinabook Reader, Komo có Komo Reader… và không ai chơi với ai cả. App của Ybook chỉ đọc sách của Ybook, của Vinabook, của Komo, Alezza… cũng đều như thế. Kết quả là bạn đọc để tiếp cận với sách của các đơn vị thì phải cài hơn 10 app lên máy mình và luôn phải nhớ cuốn sách nào do đơn vị nào cung cấp để mở cho đúng.

Không những thế, tình hình còn tệ hơn khi các đơn vị làm ebook lớn đến nay vẫn “đường ai nấy đi”. Ebook của NXB Trẻ thì chỉ có trên Ybook, của NXB Tổng hợp TPHCM thì ngoài Sachweb ra chẳng ở đâu có, của NXB Kim Đồng, Phương Nam cũng thế. Sự manh mún khiến cho hoạt động ebook trở nên thiếu hiệu quả như vừa qua Alezza tung gói đọc sách thuê bao cực rẻ đầy hấp dẫn nhưng đến khi vào kho sách thì hầu như thiếu vắng hoàn toàn các đầu sách hay, hấp dẫn của những đơn vị xuất bản lớn. Chỉ có những đầu sách của các nhà làm sách nhỏ, sách kinh tế…

Không chỉ vấn đề tiền tác quyền, mà còn một vấn đề khác cũng cản trở việc liên kết giữa các đơn vị kinh doanh ebook là chuyện bảo mật. Bà Diễm Phương, phụ trách mảng ebook của NXB Tổng hợp TPHCM, lo lắng: “Ebook khác sách giấy, sách giấy đưa bao nhiêu có bấy nhiêu, in lậu là có thể biết ngay. Nhưng với ebook nếu khâu bảo mật không tốt, bị sao chép thì không thể biết được. Chính vì vậy chúng tôi rất e ngại nếu phải giao trực tiếp file gốc cho đơn vị khác. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất phương án trung gian, bạn đọc vào các trang phát hành ebook để chọn sách nhưng khi mua thì sẽ được dẫn về trang của nhà cung cấp gốc”.

Nỗi sợ mang tên Amazon

Thị trường ebook Việt phải làm gì để phát triển? Trả lời câu hỏi đó, Giám đốc Ybook Đồng Phước Vinh nêu ra quan điểm: “Cần một doanh nghiệp đủ mạnh cả về nhân lực, kỹ thuật và nhất là vốn để đầu tư mạnh, tạo cú hích, thống nhất thị trường ebook phân tán hiện nay”.

Cũng theo ông Vinh, một đơn vị có thể đầu tư làm hàng chục ngàn tựa ebook mới, mua bản quyền khai thác ebook trọn gói từ các tác giả, có cơ chế thanh toán điện tử thuận lợi, có phần mềm đọc ebook mạnh mẽ… thì bạn đọc chắc chắn sẽ tìm đến. Thị trường ebook Việt sẽ bùng phát mạnh mẽ vì hiện nay nhu cầu thị trường có nhiều tiềm năng nhưng lại không có cơ hội phát triển do không có người cung cấp đủ năng lực đáp ứng. Trong nước hiện nay, chưa thấy đơn vị nào có thể làm điều đó. Fahasa, nhà phát hành sách lớn mạnh nhất nước vì nhiều lý do vẫn thờ ơ với ebook. Phương Nam, một nhà phát hành lớn khác lại đang phải chật vật với Komo, thương hiệu ebook của mình.

Và hiện nay, xuất hiện một nỗi sợ mang tên Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới đồng thời cũng là nhà cung cấp ebook hàng đầu với phần mềm đọc và mua ebook nổi tiếng Kindle. Với việc ký kết các hiệp định thương mại như TPP, việc Amazon tiến vào thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi và với tiềm lực, kinh nghiệm của mình, gần như chắc chắn Amazon sẽ thừa sức để thống trị thị trường kinh doanh ebook Việt Nam. Và khi đó, một nguồn lợi kinh tế lớn sẽ tuột khỏi tay các đơn vị trong nước, chưa kể những vấn đề rắc rối khác liên quan đến xuất bản, phát hành sách…

Dù là tình hình hiện tại hay nỗi sợ tương lai thì một điều không thể phủ nhận với những gì đang diễn ra, con đường phát triển ebook trong nước hiện đang rất mờ ảo.

Theo Giám đốc Ybook Đồng Phước Vinh, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động ebook Việt lúng túng. Với Ybook thì vấn đề nằm ở việc chi trả bản quyền cho tác giả. Việc cung cấp thuê bao giá rẻ rất hay cho bạn đọc nhưng sẽ thanh toán tác quyền cho tác giả như thế nào? Nếu dựa trên số tải về thì gặp trường hợp sách mới, hay thì có thể đơn vị kinh doanh sẽ lỗ nặng, chưa kể ảnh hưởng trực tiếp đến sách giấy do bạn đọc mua ebook thì sẽ không mua sách giấy nữa. Ngay tại Mỹ, nơi thị trường ebook phát triển vào bậc nhất hiện nay, việc hài hòa giữa quyền lợi tác giả và bạn đọc trong kinh doanh ebook vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi.

 TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục