Hơn 10 năm sau khi tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ và các nước khác trong NATO đang tính kế rút lui dần lực lượng quân sự chiếm đóng ở nước này. Nhưng phương Tây không hề muốn mất sự kiểm soát vùng đất có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Nam Á.
Theo các nguồn tin nước ngoài, Hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan vừa họp tại thành phố Bonn (Đức) với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu đến từ 85 nước trên thế giới. Đằng sau sự hiện diện đông đảo của họ là sự vận động từ Mỹ và các nước phương Tây.
Mục tiêu của hội nghị này được Ngoại trưởng Đức Guido Westervelle nêu là sẽ đặt nền móng cho “một đất nước Afghanistan tự do, an ninh và thịnh vượng”, đồng thời cam kết cộng đồng quốc tế sẽ không bỏ rơi đất nước này sau khi các binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) rút khỏi Afghanistan vào năm 2014.
Các quan chức phương Tây thừa nhận đã có “những thất bại” trong thập niên NATO hiện diện ở Afghanistan và thế giới đã rút ra bài học rằng không có một “giải pháp quân sự” cho Afghanistan. Những mặt khác, Mỹ và đồng minh cũng không giành được “trái tim và khối óc” người dân Afghanistan như chủ trương khá ồn ào và mặc dù đã mấy lần thay đổi chiến lược và chiến thuật. Trên thực tế, cuộc chiến tranh ở Afghanistan là chưa thực sự kết thúc.
Cách đây ít ngày, chính phủ Afghanistan đã công bố danh sách những vùng nằm trong giai đoạn hai của tiến trình tiếp quản quyền kiểm soát an ninh từ Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu.
Trong giai đoạn một của quá trình chuyển giao hồi tháng 7 vừa qua, Các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF) đã tiếp quản quyền kiểm soát của 7 khu vực, mở đường cho lực lượng nước ngoài từng bước rút quân khỏi Afghanistan. Thông báo của Lầu Năm góc cho biết từ nay đến cuối năm 2012, Mỹ sẽ rút 33.000 quân khỏi Afghanistan. Các nước đồng minh của Mỹ trong NATO cũng sẽ rút quân nhưng với số lượng ít hơn, khoảng 7.000 người.
Trong giai đoạn hai này, trách nhiệm an ninh của 7 thủ phủ tỉnh và hơn 40 quận ở các tỉnh khác cũng được ISAF chuyển giao cho ANSF. Mặc dù vậy, ANSF cũng mới có thể đảm nhận trách nhiệm an ninh đối với 50% dân số Afghanistan. Tuy nhiên, cho đến nay thời gian ngày tháng cụ thể bắt đầu giai đoạn hai này vẫn chưa được công bố.
Mặc dù Tướng John Allen, Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan cho rằng quyết định rút quân phản ánh tình hình an ninh ở đây đã tốt hơn, và lực lượng an ninh của Afghanistan gần như cũng đã sẵn sàng để đảm nhận trách nhiệm hàng đầu, nhưng trên thực tế, tình hình an ninh ở Afghanistan vẫn còn nằm ngoài tầm kiểm soát, kể cả khu vực thủ đô Kabul.
Chỉ một ngày sau khi lực lượng đồng minh phương Tây cam kết hỗ trợ lâu dài sau khi rời khỏi quốc gia này, ngày 6-12, một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công một đền thờ của người Hồi giáo Shi’ite tại Kabul, làm ít nhất 54 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương.
Tướng John Allen đánh giá việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh là một “con đường hướng tới tương lai thành công” của Afghanistan. Nhưng người dân Afghanistan và dư luận quốc tế vẫn nghi ngờ điều đó.
Tương lai của Afghanistan sẽ vẫn bất ổn và còn u ám.
NGUYỄN KHẮC ĐỨC