Ngày 26-7, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nghệ thuật tuồng trong đời sống văn hóa hiện nay” do Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Viện Sân khấu - Điện ảnh tổ chức.
Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày những tham luận liên quan đến hiện tượng khán giả trẻ đang thờ ơ với tuồng cổ. Ý kiến nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định hiện nay các vở tuồng chỉ thu hút lượng khán giả thưa thớt, nhiều khi “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Sở dĩ tuồng không thu hút được khán giả là do sự lạc hậu về cả nội dung lẫn hình thức của nhiều tác phẩm tuồng. Những đề tài mang tính cổ điển, khuôn mẫu về trung, hiếu, tiết, nghĩa, đạo đức của chế độ phong kiến không còn đáp ứng nhu cầu của khán giả.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng khán giả do tư duy sáng tạo của những người làm sân khấu đôi khi quá cũ so với đòi hỏi về thưởng thức của công chúng hôm nay.
NSND Phan Thị Bạch Hạc, Nhà hát nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, cho biết: Khoảng 10 năm qua, hoạt động của Nhà hát Tuồng cung đình Huế phụ thuộc chủ yếu vào du khách khi đến xem diễn tuồng tại Nhà hát Duyệt Thị Đường. Bên cạnh đó lễ hội festival với các màn trống hội, múa rồng, múa cờ. Do đó để tuồng có được đất sống rất khó khăn. Đặc biệt là sự thờ ơ, lạnh lùng của một bộ phận giới trẻ về nghệ thuật tuồng cổ, đặc biệt là tuồng cung đình.
Giáo sư Hoàng Chương, một trong những chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về tuồng, khẳng định: “Đối với tôi, tuồng không bao giờ chết nếu chúng ta luôn luôn có những vở tuồng hay, những diễn viên giỏi. Một điều không kém phần quan trọng đó là phải “đào tạo khán giả”. Nói tuồng hay, tuồng quý thì phải làm thế nào cho người ta biết chỗ hay, quý đó người ta mới xem. Tuồng muốn đi vào cuộc sống, muốn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng phải làm song song hai việc: Một là xây dựng vở diễn thật hay, hai là tuyên truyền quảng bá nghệ thuật thật giỏi” .
Phan Lê