Tuyên bố chủ quyền mơ hồ

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, hệ thống radar ra rặng san hô Châu Viên, ồ ạt cải tạo, xây đắp các bãi đá trên đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang củng cố khái niệm “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” mơ hồ để thoát khỏi sự ràng buộc của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhằm độc chiếm biển Đông. Nội luật của Trung Quốc cũng cho thấy rõ nước này yêu sách vùng biển không dựa trên UNCLOS.

Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường biển của nước này có phạm vi áp dụng: “các vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đối chiếu với UNCLOS, không rõ khái niệm “các vùng biển khác” còn ám chỉ vùng biển nào nữa ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cụm từ này có thể diễn giải các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng mình có quyền lịch sử... Rõ ràng, bên cạnh việc ra sức ngụy tạo các căn cứ pháp lý, Trung Quốc còn có cách tiếp cận khác, sử dụng danh nghĩa lịch sử hoặc quyền lịch sử để thiết lập một hiện trạng mới ở biển Đông.

Trong tiến trình đàm phán UNCLOS, các nước đang phát triển đã công nhận quyền tự do hàng hải (qua các eo biển và vùng đặc quyền kinh tế) để đổi lấy sự thừa nhận vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý. Do 90% trữ lượng cá của thế giới nằm trong phạm vi 200 hải lý từ đất liền, các vùng EEZ được thừa nhận nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các nước đang phát triển. Việc Trung Quốc vi phạm vùng EEZ của các nước láng giềng đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của UNCLOS.

Nhận định về vấn đề này, giáo sư Michael Yahuda, Trường Khoa học chính trị và kinh tế London (Anh), khẳng định: “Yêu sách được Trung Quốc cho rằng dựa trên các chứng cứ lịch sử, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì sự thật lại là… không có căn cứ lịch sử nào cho yêu sách của nước này”. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, cũng cho rằng, tuyên bố biển Đông thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc là không đúng sự thật. Khu vực này là vùng biển quốc tế và yêu sách này cũng không được UNCLOS công nhận.

Từ năm 2009, khi Trung Quốc công bố bản đồ đường chín đoạn, Bắc Kinh liên tục đưa ra những nghịch lý trong tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và đi cùng với đó là hàng loạt các động thái củng cố tuyên bố trên. Những hành động này của Trung Quốc đã trở thành một trong những chủ đề chính trong các diễn đàn an ninh quốc tế. Không ít các ý kiến đã phê phán hành động này không những đã vi phạm UNCLOS và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia mà còn đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; hủy hoại môi trường và hệ sinh thái biển, gây ra tác hại lâu dài đối với ngư dân trong vùng biển Đông. Các quan chức và học giả Trung Quốc liên tục gặp sự công kích từ vô số các luật gia và chính khách quốc tế tại các kênh đối thoại chính thức, nhưng họ vẫn phớt lờ.

Căn cứ vào thực tiễn quốc tế và luật pháp quốc tế, có thể khẳng định rằng, việc xây dựng trên biển, cho dù với quy mô lớn hay các tuyên bố dựa vào “lịch sử”, sẽ không giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền trong bối cảnh hiện nay, vì dư luận quốc tế luôn căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Cách duy nhất để mang lại hòa bình và ổn định đó là các bên tranh chấp cần tìm kiếm công lý thông qua các thiết chế tài phán quốc tế. Mặt khác, các nước ASEAN cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này, vì lợi ích chung của khu vực.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục