Xà lách, bánh mì, trái cây, rau củ, thịt cá... là những món thường xuyên bị vứt đi. Mỗi năm, mỗi hộ gia đình Pháp vứt 1/4 lượng thực phẩm. Lượng sản phẩm vứt đi đó gây thiệt hại mỗi năm khoảng 500 EUR trên mỗi đầu người. Tại những cơ sở sản xuất thực phẩm chuyên nghiệp, ghi nhận tình trạng trên cũng khá nghiêm trọng. Hơn 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra đã bị vứt bỏ hay lãng phí, vì nhiều nguyên nhân như điều kiện bảo quản, vận chuyển hay chế biến tại chỗ.
Nhật báo Le Monde số ra gần đây đăng bài “Nước Pháp tuyên chiến với vấn đề lãng phí thực phẩm”. Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolène Royal đã gây áp lực lên các nhà phân phối thực phẩm lớn buộc phải ký một hiệp ước với các hiệp hội chuyên thu nhặt những sản phẩm không bán hết được. Cam kết ghi rõ các cách thức, theo đó các loại thực phẩm dư thừa sẽ được ban tặng hay cho không những hiệp hội này. Các chuyên gia ước tính bình quân, mỗi người Pháp phung phí từ 20 - 30kg thức ăn/năm, trong đó có 7kg là vẫn còn đóng nguyên bao bì. Cũng chính những thói quen xấu đã làm tăng lượng rác thải thực phẩm tại Pháp lên gấp 4 lần. Báo cáo của Bộ Môi trường Pháp năm 2012 cho biết, hơn 7 triệu tấn thực phẩm đã bị cho vào thùng rác trong năm 2010. Bộ Môi trường và Bộ Nông nghiệp Pháp ước tính lãng phí thực phẩm làm cho nền kinh tế Pháp thiệt hại từ 12 -20 tỷ EUR/năm.
Anh Stuart kiểm tra thức ăn thừa còn nguyên trong thùng rác của siêu thị Tesco
Đi đầu trong chiến dịch chống bỏ phí thực phẩm toàn cầu, anh Tristram Stuart đã sớm nhận biết sự lãng phí nguồn thực phẩm toàn cầu từ năm 15 tuổi. Lúc đó, anh sống ở vùng Sussex, Anh và đi thu gom thực phẩm thừa về nuôi heo. Anh đến phòng ăn ở trường xin thức ăn bạn bè đã bỏ đi, đến chỗ người bán bánh mì gần nhà xin những ổ bánh mì cũ hay đến chỗ người bán rau và cả người nông dân vứt bỏ khoai, rau củ. Đàn heo của anh lớn nhanh và anh bán heo cho phụ huynh của bạn bè ở trường để có thêm tiền tiêu vặt hàng tháng. Anh cũng từng phát hiện một điều rằng, tất cả thức ăn mà anh mang về cho heo ăn trong thực tế, vẫn an toàn để con người có thể ăn.
Trả lời báo chí về việc nước Pháp thông qua luật cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm, anh Stuart cho rằng ở Pháp và nhiều nước phương Tây đang diễn ra “bi kịch thầm lặng phía sau siêu thị”. Theo anh, ở đó, hàng đêm có hàng tấn thực phẩm có thể ăn được bị ném đi. Anh cho biết nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế cho rằng cần gia tăng sản lượng thực phẩm thêm 60% - 70%, thậm chí là 110%. “Điều này hoàn toàn sai”, anh nói trên trang youris.com.
Cái chúng ta cần là hiệu quả lâu dài trong chuỗi cung cấp thực phẩm toàn cầu và bảo vệ hệ sinh thái. Để thực hiện điều này, theo anh, cần giảm tình trạng lãng phí thực phẩm. “Chúng ta đang lãng phí 1/3 nguồn cung thực phẩm”, anh Stuart nói. Anh Stuart nhận định việc tăng sản lượng lương thực, thực phẩm chưa chắc đã làm giảm tình trạng đói kém mà còn làm tăng sự lãng phí trong tiêu dùng. Bản thân anh đã cùng nhiều tổ chức vận động thông qua luật này ở Pháp cũng như kêu gọi thay đổi hành vi cá nhân trong việc vứt bỏ thức ăn thừa.
HUY QUỐC