Tuyến đầu thầm lặng

Những ngày qua, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hàng ngàn cán bộ y tế, lực lượng vũ trang TPHCM đã xung kích, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. 
Kỹ thuật viên Phòng xét nghiệm Viện Pasteur TPHCM thực hiện thu nhận mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kỹ thuật viên Phòng xét nghiệm Viện Pasteur TPHCM thực hiện thu nhận mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ẩn sau những nỗ lực đó, các y bác sĩ Viện Pasteur TPHCM luôn chong đèn xuyên đêm, tách chiết thành công hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm để cho ra kết quả trong thời gian nhanh nhất. 

“Tiền tuyến” xung kích

Khuya 22-1, khi mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân Li Ding và Li ZhiChao (người Trung Quốc) được bác sĩ Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của viện chuyển về, lập tức kỹ thuật viên trực của phòng xét nghiệm bắt đầu truy tìm. Th.S - dược sĩ Cao Minh Thắng, Trưởng khoa Vi sinh miễn dịch, dùng từ “đối chiến” để nhấn mạnh tới sự nguy hiểm của dòng virus mới này. Các chuyên gia của viện “đối chiến” ngay với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) dựa trên quy trình xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 do Trường Đại học Y khoa Charité (Berlin, Đức) công bố và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, đưa ra khuyến cáo chung trên toàn thế giới.  Sau 4 giờ, qua 2 bước thử đều cho kết quả dương tính. Chiều 23-1, các chuyên gia của viện họp, đến tối, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhanh chóng thực hiện các biện pháp tránh lây lan. 

Một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Viện Pasteur TPHCM đã chuyển giao quy trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Vệ sinh dịch tễ Nha Trang. Qua 1 tháng, ê kíp đã tập huấn cho 12 tỉnh thành nắm vững cách lấy mẫu bệnh phẩm chuẩn nhất. Từ kết quả này, Viện Pasteur TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng lên một tạp chí y khoa quốc tế uy tín, công bố là nơi đầu tiên nhận định, đánh giá SARS-CoV-2 lây từ người qua người ngoài biên giới Trung Quốc. Qua đó giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới là nước có biện pháp phòng dịch, điều trị hiệu quả cao như hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Trưởng văn phòng Trung tâm Cúm quốc gia phía Nam, Phòng thí nghiệm quốc gia về bệnh sởi và rubella (Viện Pasteur TPHCM), cho biết những ngày chống dịch, 12 bác sĩ, kỹ thuật viên của phòng, có sự tăng cường nhân sự từ Khoa Vi sinh miễn dịch và các khoa chuyên môn khác, làm việc 3 ca liên tục 24/24 giờ. Đây đều là các chuyên gia, kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, được đào tạo bài bản ở Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Việc sắp xếp này đề phòng tình huống có trường hợp phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 thì 2 ê kíp còn lại không gián đoạn công việc xét nghiệm. Về quy trình tiếp nhận mẫu bệnh phẩm đến kết quả cuối cùng, các nghiên cứu viên sẽ trải qua các bước: nhận mẫu, sau đó chuyển đến phòng an toàn sinh học cấp 3. Đây là nơi “bất hoạt” virus để nó không có khả năng hoạt động. Sau đó, mẫu bệnh phẩm trải qua thêm 4 lần phân tích tại Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2, Phòng pha hỗn hợp PCR, Phòng nạp ARN/AND … và Phòng PCR để cho kết quả cuối cùng. Quy trình công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng là vậy, nên không ai cho phép mình phút giây lơ là, nhầm lẫn nào. 

Phòng tuyến hiệu quả

TPHCM đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Chính tại các địa phương, vẫn phải có những “phòng tuyến” hiệu quả, cùng với tuyến đầu tạo một vòng tròn khép kín trước dịch bệnh. Sáng sớm 17-3, ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường 7 quận Gò Vấp, nhận thông báo đã có kết quả xét nghiệm dương tính một ca trên địa bàn. Cuộc điện thoại đầu tiên, ông Kiên gọi cho Trưởng trạm Y tế phường Tô Thị Huyền Trang và an tâm vì họ đã “quân tư trang” đầy đủ, cấp tốc xuống khu vực gia đình người bệnh để tiêu độc, khử trùng. Từ đó, điện thoại ông “cháy máy” liên tục bởi các cuộc gọi đi và đến để theo dõi, nắm bắt tình hình và chỉ đạo, điều hành. Tất cả trong chưa đầy 1 giờ. Chậm hơn sẽ khó lường. Bước tiếp theo là thuyết phục, đưa đi cách ly tập trung các trường hợp F1. Chị Huyền Trang và cán bộ y tế phường phải xử lý trực tiếp tất cả công đoạn… 

Sau 2 ngày đợi chờ trong lo lắng, kết quả 49 người dân trong diện cách ly đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Chị Huyền Trang thở phào: “Trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi sợ nhất là F1 thành F0, F2 thành F1... Thành công bước này một phần là nhờ ý thức tự cách ly của người dân trước khi bệnh khởi phát”. Là người phụ trách “đường dây nóng” về phòng chống dịch bệnh của quận, TS - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết ông và cán bộ y tế cơ sở phải nói và làm cho dân thực sự hiểu và tin. “Có vậy họ mới yên tâm thực hiện các hướng dẫn của mình”, bác sĩ Hòa khẳng định. 

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Chi (27 tuổi), Khoa Kiểm soát bệnh tật - Trung tâm Y tế quận 2, chia sẻ, nhiều ngày trước, với “ổ dịch” - quán bar Buddha, chị phải tiếp cận hàng ngàn người liên quan. Cuộc sống của chị và đồng nghiệp trong thời gian đó là những con số về lịch trình, nơi đi/đến của người dân, các thông số y khoa về bệnh phẩm. Tất cả thời gian trong ngày đều dành cho công việc và những sinh hoạt tối thiểu. “Chúng tôi sẵn sàng căng mình ở khắp mặt trận, không sợ nguy hiểm cho bản thân”, bác sĩ Mỹ Chi khẳng định sự quyết tâm của đội ngũ “chiến sĩ áo trắng”. 

Hết người cách ly mới trở về nhà

Có những thời điểm, từng tổ dân phố, phường xã, khu cách ly tập trung trở thành “pháo đài” vững chắc chống dịch. Việc thực hiện giám sát cách ly là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang TP - những người làm nhiệm vụ trực chốt, phục vụ tại khu cách ly - cũng là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. 

Thiếu tá Võ Chí Tâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Tân Phú (Bộ Tư lệnh TPHCM), kể: Theo sự điều động của Bộ Tư lệnh TP, Ban chỉ huy quân sự quận điều động 32 đồng chí đến nhận nhiệm vụ tại tòa nhà H1, khu cách ly Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là tòa nhà có 190 phòng với 843 đồng bào và người nước ngoài về từ các vùng dịch trên thế giới, thực hiện cách ly 14 ngày. Chúng tôi thành lập một trung đội có 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội thực hiện gác ca đêm một lần, mỗi ca gác không quá 2 giờ. Qua thực hiện nhiệm vụ tại tòa nhà từ ngày 19-3 đến nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự được thực hiện nghiêm, không xảy ra một sơ suất nào. 

Thiếu tá Mai Văn Đồng, Trợ lý Dân quân Ban Chỉ huy Quân sự quận Gò Vấp, cho biết hơn 1 tháng, anh cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM phối hợp “nhuyễn” với lực lượng công an bảo vệ mục tiêu phía ngoài tường rào, cùng ăn cùng thức để đảm bảo an toàn cho người dân yên tâm cách ly. Từ ngày 18-3, vào “điểm nóng”, anh chỉ kịp dặn vợ con ở nhà yên tâm rồi cùng đồng đội lên xe, thẳng tiến về Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia TPHCM để “hội quân” với lực lượng 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc 11 quận huyện bạn. “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi xác định thời gian có thể kéo dài so với dự trù kế hoạch vì dịch rất phức tạp, khó lường, nhưng tất cả đều rất quyết tâm với tinh thần: Hết người cách ly mới trở về nhà. Anh em cố gắng động viên nhau vững lòng, vững tâm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó”.

Từ tết đến nay, thời gian dành cho gia đình, người thân của những nghiên cứu viên tại các phòng xét nghiệm Viện Pasteur TPHCM là một thứ xa xỉ, bởi người dân bên trong các khu cách ly của TPHCM và ở 22 tỉnh thành phía Nam đang ngày đêm mong ngóng kết quả. Ai cũng lo lắng rằng mình có bị bệnh hay không. Chính quyền địa phương càng sốt ruột hơn nếu có ca dương tính với Covid-19, bởi biết bao hệ lụy phía sau. Do vậy, các bác sĩ, kỹ thuật viên lại càng phải cố gắng hết mình để nhanh chóng cho ra kết quả chính xác cuối cùng.
Kỹ thuật viên Nguyễn Thu Ngọc, Phòng virus hô hấp vi sinh miễn dịch - Viện Pasteur TPHCM, kể từ Tết Nguyên đán đến giờ, ngày ít việc nhất cũng rời cơ quan lúc 22 giờ. Sáng hôm sau lại dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn, thức uống chu tất cho gia đình rồi lập tức tới viện. 

Tin cùng chuyên mục