Bước vào mùa tuyển sinh ĐH – CĐ 2009, báo SGGP phối hợp với các chuyên gia của Bộ GD-ĐT và các trường Đại học tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh “Tiên hướng nghiệp, hậu hướng trường”, nhằm giải đáp những thắc mắc và tư vấn cho các học sinh tham dự có quyết định đúng đắn trong việc chọn ngành, chọn trường.
Những cột mốc thời gian cần nhớ trong năm 2009 |
1. Từ 10-3 đến 10-4-2009: Nộp hồ sơ tuyển sinh theo hệ thống của Sở GD-ĐT 2. Từ 11-4 đến 17-4: Nộp hồ sơ tuyển sinh tại trường ĐH, CĐ (nếu không kịp nộp cho sở) 3. Từ 30-5 đến 5-6: Các sở gởi giấy báo dự thi cho thí sinh 4. Từ 4-7 đến 5-7: Thi tuyển sinh ĐH khối A (đợt 1) 5 . Từ 9-7 đến 10-7: Thi tuyển sinh ĐH khối B, C, D (đợt 2) 6 . Từ 15-7.đến 16-7: Thi cao đẳng các khối 7 . Trước 10-8: Hoàn tất chấm thi, công bố kết quả thi và gởi giấy chứng nhận điểm thi (15-8) 8. Từ 10-8 đến 12-8: Bộ GD-ĐT định điểm sàn và công bố điểm sàn 9 . Trước 20-8: Công bố điểm thi, điểm xét tuyển và danh sách trúng tuyển (đợt xét 1) 10. Từ 25-8 đến 10-9: Nhận hồ sơ nguyện vọng 2 (NV2) và xét tuyển 11. Trước 15-9: Công bố điểm và danh sách trúng tuyển NV 2 12. Từ 15-9 đến 30-9: Nhận hồ sơ nguyện vọng 3 (NV3) và xét tuyển 13. Trước 5-10: Công bố điểm và danh sách trúng tuyển NV3 |
- Ngành kinh tế học sẽ được học cụ thể những vấn đề gì? Có thể học ở những trường nào, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2008 là bao nhiêu? Sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở đâu?
- Chuyên ngành kinh tế học đào tạo sinh viên có khả năng phân tích và đánh giá các chính sách kinh tế, các biến động của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế học sẽ là các nhà hoạch định chính sách kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Và cũng có thể là các giảng viên kinh tế ở các trường ĐH, CĐ, các nhà nghiên cứu kinh tế ở các trung tâm, các viện nghiên cứu...
Ngành này có đào tạo tại Khoa kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn năm 2008 là 17 (năm 2007 là 16, năm 2006 là 18). Ngoài ra còn được đào tạo tại ĐH Cần Thơ: 14,5 điểm hai khối A-D1; ĐH Kinh tế TPHCM: 18,5; ĐH Kinh tế quốc dân: 22…
- Năm nay em thi ĐH, học lực của em đạt khá và em rất thích hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái, cho em hỏi ngành này ở Việt Nam có phát triển không? Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có đào tạo ngành này không, học ra sẽ làm việc ở đâu?
- Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa rất đặc trưng ở khu vực Đông Nam Á, đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình, kiểu rừng, thực vật, động vật, có nhiều cảnh quan được thế giới như động Phong Nha, Vịnh Hạ Long, Sapa, Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã…
Đây cũng chính là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đầy tiềm năng, là tài sản vô giá của tổ quốc, đòi hỏi khi khai thác sử dụng phải khôn ngoan với ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường bền vững, do đó ngành này có nhu cầu về nhân lực rất lớn và rất cần có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp.
Hiện nay Trường ĐH Nông lâm TPHCM có đào tạo chuyên ngành Quản lý Môi trường và Du lịch Sinh thái (trong ngành Quản lý môi trường).
Ngoài kiến thức chung về quản lý môi trường, em còn được đào tạo chuyên sâu về quản lý và phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, có kiến thức và kỹ năng về sinh học bảo tồn, địa lý du lịch, quản lý cảnh quan, quản trị du lịch, quy họach phát triển du lịch sinh thái bền vững, có khả năng xây dựng, quản lý thực hiện các đề án về xây dựng tôn tạo các cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái.
Sau khi tốt nghiệp sẽ là kỹ sư quản lý môi trường chuyên sâu về du lịch sinh thái, chủ trì hoặc tham gia các đề án về xây dựng tôn tạo các cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái hoặc hướng dẫn du lịch sinh thái và các dịch vụ có liên quan; công tác tại các sở du lịch, công ty dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử,… hoặc có điều kiện tự thành lập các công ty môi trường, dịch vụ du lịch sinh thái.
- Muốn học ngành điện tử viễn thông hệ CĐ ở các trường ĐH thì có thể đăng ký ở những trường nào? Các trường đó tổ chức thi hay xét tuyển?
- Muốn học CĐ ngành điện tử viễn thông, bạn có thể học tại các trường sau: ĐH KH Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn, ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH dân lập Văn Hiến… Hệ CĐ của các trường ĐH chỉ xét tuyển những thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
- Em và bạn em muốn thi vào Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, nghe nói trường này có ngày thi riêng vì phải thi các môn năng khiếu, vậy cho em hỏi các thông tin về ngày thi, khối thi và cách tính điểm của trường này. Em và bạn em đều ở Tiền Giang.
- Trường ĐH Kiến trúc TPHCM tuyển sinh trong cả nước và tổ chức thi hai đợt: khối A, V ngày 4 và 5-7-2009; khối H ngày 9 và 10-7-2009. Điểm trúng tuyển theo khối thi, phân ngành dựa trên đăng ký dự thi, kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh và quy định của hội đồng tuyển sinh.
Khối V thi toán, vật lý (thi đề khối A), vẽ mỹ thuật (vẽ đầu tượng). Khối H thi văn (thi đề khối C), vẽ trang trí màu, vẽ hình họa mỹ thuật (vẽ chân dung người mẫu). Các môn thi lấy hệ số 1. Thí sinh thi các khối V và H, điểm thi các môn năng khiếu phải đạt từ 5 điểm trở lên mới được xét tuyển.
Nếu em và bạn em ở Tiền Giang thì Trường ĐH Kiến trúc TPHCM có dành 75 chỉ tiêu ngành kiến trúc công trình (mã ngành 101) và 75 chỉ tiêu ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp (mã ngành 103) để đào tạo cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, học tại Vĩnh Long.
- Ngành Quy hoạch đô thị của Trường ĐH Kiến Trúc TPHCM ra trường làm việc ở đâu? Điểm chuẩn trúng tuyển NV1, NV2 năm 2008 là bao nhiêu?
- Ngành Quy hoạch đô thị của Trường ĐH Kiến trúc đào tạo kiến trúc sư có thể làm việc tại các công ty tư vấn đầu tư xây dựng, công ty TNHH về kiến trúc, Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu kiến trúc, tổng công ty xây dựng, phòng quản lý đô thị các quận huyện, ban quản lý công trình, sở Kế hoạch đầu tư, văn phòng kiến trúc nhà nước hoặc tư nhân… Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2008 vào ngành Quy hoạch đô thị là 19,5 và không tuyển NV2.
- Em muốn học quản trị nhân sự thì đăng ký vào ngành nào của Trường ĐH Kinh tế TPHCM? Điểm trúng tuyển vào ngành này có cao không?
- Trường ĐH Kinh tế TPHCM có chuyên ngành kinh tế lao động và quản lý nguồn nhân lực đào tạo SV có kiến thức cần thiết về quản lý vi mô và quản lý vĩ mô về các lĩnh vực dân số, nguồn nhân lực trên cơ sở khoa học, bao gồm các khía cạnh quan trọng sau: Dân số học, dân số phát triển, di dân, đô thị hóa; lao động, tiền lương, quản trị nhân sự, tổ chức lao động khoa học, định mức lao động, các vấn đề về tâm lý trong quản lý lao động.
SV tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý vĩ mô ở các trung ương như các bộ, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu cho đến các phòng, tổ chức, các bộ, quản trị nhân sự của các cơ quan thành phố, địa phương; các công ty, doanh nghiệp. Điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế lấy chung cho tất cả các ngành năm 2008 là 18,5, năm 2007 là 21,5, còn năm 2006 là 17,5.
- Con tôi muốn thi vào Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TPHCM) ngành công nghệ dệt may, nhưng thấy Trường ĐH SP Kỹ thuật cũng đào tạo ngành này, vậy cho hỏi hai trường này đào tạo có khác nhau không, điểm chuẩn trúng tuyển năm trước là bao nhiêu?
- Ngành công nghệ dệt may của Trường ĐH Bách khoa đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu mặt hàng và điều hành tốt các dây chuyền sản xuất của ngành dệt may, gồm các ngành kéo sợi, dệt, nhuộm, may mặc, thiết kế thời trang. Khi ra trường kỹ sư có khả năng công tác ở các công ty, xí nghiệp sản xuất (thiết kế mặt hàng sản xuất ra thị trường; nghiên cứu khai thác công nghệ mới, mặt hàng mới; điều hành dây chuyền thiết bị công nghệ; quản lý công tác bảo trì thiết bị), các công ty kinh doanh thiết bị, nguyên vật liệu về ngành dệt may hoặc các viện, trung tâm nghiên cứu vật liệu và sản phẩm, các trường, cơ sở đào tạo và chuyển giao công nghệ ngành công nghệ dệt may. Điểm chuẩn của ngành này năm 2008 là 16, còn năm 2007 là 18.
Còn Trường ĐH SP Kỹ thuật không có ngành Công nghệ dệt may, chỉ có ngành Công nghệ may. Ngành này đào tạo SV có kiến thức cơ bản về toán học và khoa học tự nhiên; có trình độ tin học tương đương trình độ B, sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành; có trình độ tiếng Anh tương đương 350 điểm TOEIC; hiểu biết toàn bộ quá trình sản xuất may và các hệ thống công đoạn sản xuất may công nghiệp; có các kiến thức về mỹ thuật, thẩm mỹ, trang thiết bị ngành may, vật liệu dệt may và các khái niệm cơ bản về quản lý chất lượng trong sản xuất may công nghiệp; có các kiến thức về qui trình sản xuất may công nghiệp, hệ thống tổ chức và quản lý sản xuất xí nghiệp may, thiết kế và phát triển các loại sản phẩm may.
SV có kỹ năng vận dụng các nguyên lý thiết kế một cách sáng tạo vào phát triển các sản phẩm may; xây dựng quy trình làm việc và hợp lý hóa sản xuất; thiết kế nhà xưởng, tổ chức quản lý và điều hành xí nghiệp may; khắc phục – phòng ngừa – cải tiến sản xuất; tổ chức, quản lý chất lượng; quản lý các dây chuyền sản xuất trong ngành may; lập kế hoạch và xuất nhập khẩu ngành may. Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2008 là 15.
- Em muốn thi vào ngành thiết kế máy của Trường ĐH SP Kỹ thuật TPHCM, xin quý báo cho em biết học ngành này sẽ có kỹ năng gì? ra trường làm việc ở đâu? Học phí của trường này có cao không?
- Ngành thiết kế máy đào tạo SV có kiến thức cơ bản về toán học và khoa học tự nhiên; có trình độ tin học tương đương trình độ B, sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành tính toán thiết kế, đồ họa kỹ thuật; có trình độ tiếng Anh tương đương 350 điểm TOEIC; có kiến thức cơ bản về tính toán cơ học vật rắn biến dạng, đồ họa kỹ thuật trên máy tính, công nghệ gia công cơ khí, công nghệ CAD/CAM-CNC; các phương pháp thiết kế thiết bị cơ khí, máy chế biến lương thực thực phẩm, máy nâng chuyển và xây dựng, máy cắt kim loại, các cơ cấu chính xác, thiết kế khuôn mẫu… Các kiến thức trong tự động hóa thiết kế cơ khí…
SV có kỹ năng: Tính toán thiết kế, thiết kế mô phỏng, thiết kế theo mẫu các kết cấu cơ khí, tạo dáng sản phẩm công nghiệp với sự hỗ trợ của máy tính; tư vấn thiết kế, chuyển giao công nghệ, thiết bị công nghiệp; kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm…
Sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ sở sản xuất cơ khí hoặc liên quan đến cơ khí, công ty thiết kế mỹ thuật, đồ họa kỹ thuật, công ty chuyên về gia công khuôn mẫu, các viện nghiên cứu về thiết kế máy, thiết bị công nghiệp, các cơ quan tư vấn, thiết kế và chuyển giao công nghệ.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là trường ĐH công lập có mức học phí thấp phù hợp với nhiều đối tượng cùng với nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên về sinh hoạt học tập như miễn giảm học phí, tìm các nguồn tài trợ học bổng từ các đơn vị bên ngoài…
- Em muốn làm kỹ sư ngành nhiệt lạnh và muốn học ở ĐH Quốc gia TPHCM. Vậy em nên đăng ký vào trường nào, ngành nào? Cơ hội làm việc sau khi ra trường có cao không? Điểm chuẩn trúng tuyển năm ngoái là bao nhiêu?
- Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) có đào tạo ngành kỹ thuật nhiệt lạnh. Ngành này đào tạo kỹ sư có kiến thức toàn diện và vững vàng trong lĩnh vực nhiệt lạnh.
Kỹ sư ngành nhiệt lạnh có khả năng thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sửa chữa, vận hành, bảo trì các thiết bị có liên quan đến ngành như: kỹ thuật lạnh, kỹ thuật điều hòa không khí, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió), lò hơi, tua-bin, nhà máy nhiệt điện, kỹ thuật sấy, kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng...
SV tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty cơ điện lạnh hoặc kinh doanh thiết bị lạnh, các cao ốc văn phòng, các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nhẹ như: giấy, thực phẩm, dệt, đông lạnh, đường; các nhà máy nhiệt điện và các công ty tư vấn thiết kế và nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Điểm trúng tuyển vào ngành kỹ thuật nhiệt lạnh năm 2008 là 16 điểm.
- Ngành sư phạm vật lý - công nghệ của Trường ĐH Cần Thơ đào tạo những gì? Ra trường làm việc ở đâu?
- Ngành Sư phạm Vật lý - công nghệ đào tạo giáo viên giảng dạy bậc trung học, có khả năng giảng dạy môn vật lý và môn công nghệ (kỹ thuật công nghiệp) tại các trường trung học.
Hướng nghiên cứu: Hệ thống kiến thức khoa học về lĩnh vực vật lý học, kỹ thuật công nghiệp và nghiệp vụ sư phạm; có kiến thức chuyên ngành rộng, có kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Sau khi tốt nghiệp, SV có thể giảng dạy môn vật lý, công nghệ ở các các trường THPT, trung học bổ túc, giáo dục thường xuyên, các trường TCCN và dạy nghề…; các cơ sở giáo dục, đào tạo khác có nhu cầu giảng dạy môn vật lý và môn kỹ thuật công nghiệp; các cơ quan hành chính sự nghiệp, quản lý giáo dục ở địa phương.
- Hiện em đang học lớp chuyên vật lý thì trong tương lai ngành nghề nào phù hợp, dễ kiếm việc làm, lương ổn định (cao) và có thể theo học ở trường nào. Nếu em chọn ngành kinh tế thì em có thể học ở đâu?
- Về ngành vật lý, ĐH QG có trường thành viên là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đào tạo nhiều chuyên ngành vật lý sâu như: vật lý lý thuyết, vật lý điện tử, vật lý hạt nhân, vật lý địa cầu, vật lý chất rắn. Nếu học xong ngành này, em có thể làm việc ở rất nhiều ở các cơ quan trong quốc doanh lẫn nhà nước, đồng thời có thể giảng dạy tại các trường THPT, ĐH. Nếu chọn ngành thuộc khối kinh tế, em có thể theo học Khoa kinh tế của ĐH QG TPHCM và các trường khác như ĐH Kinh tế, ĐH Nông Lâm cũng có các chuyên ngành về kinh tế.
- Em thích thi vào ngành dược và muốn làm dược trình viên quốc tế. Nhưng em thấy thời gian học hơi dài và điều kiện kinh tế gia đình cũng khó khăn nên em hơi băn khoăn. Liệu em có nên theo học ngành này hay học một ngành khác?
- Có lẽ em chưa hiểu rõ về nghề mà em đã có ý theo đuổi. Thật ra trình dược viên thực chất là người đi giới thiệu thuốc nên em không phải mất thời gian, công sức để thi vào ĐH dược mà chỉ nên đăng ký học các lớp trung cấp dược.
Nếu em tốt nghiệp ngành dược thì công việc sau này em phải làm là bào chế thuốc, tạo ra những sản phẩm thuốc phục vụ cho công việc điều trị người bệnh. Tuy nhiên, để thi vào các ĐH dược các em cần phải xác định năng lực của mình vì ngành này có nhiều học sinh giỏi đăng ký dự thi. Các em hãy lưu ý là khi chọn ngành học, các em phải xác định năng lực của mình.
Hiện nay, trên cả nước có 2 trường đào tạo ngành dược là ĐH dược Hà nội và ĐH Y dược TPHCM với điểm đầu vào rất cao thường dành cho học sinh giỏi. Tuy nhiên, nếu các em có nguyện vọng học dược nhưng không thể đủ điều kiện thi vào những trường này thì các em có thể học trung cấp dược, sau đó có thể vừa làm vừa học liên thông.
- Trong lớp em có một vài bạn muốn học ngành công nghệ nano nhưng em thấy ngành này ở nước ta chưa phổ biến. Xin thầy cho biết hiện nay trường nào có đào tạo ngành này, ra trường sẽ làm việc ở những đâu?
- Câu hỏi của em rất hay vì em chịu khó tìm tòi. Công nghệ nano hiện phát triển rất mạnh và được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống nên tương lai ngành này sẽ rất “hót”. Ngành này là một chuyên ngành thuộc ngành khoa học vật liệu (Khoa vật lý Trường ĐH KHTN). Đặc biệt, ĐH QG đã đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm công nghệ nano trọng điểm và lớn nhất của cả nước để nghiên cứu về lĩnh vực này. Để thi ngành này em và các bạn phải rất giỏi các môn khối A (Toán – Lý – Hóa).
- Em muốn thi vào khoa quản trị kinh doanh của Trường ĐH Mở TPHCM. Trong đó em thích nhất là hai ngành quản trị kinh doanh và kinh tế học nhưng em đang phân vân không biết chọn ngành nào. Nếu được thầy có thể quyết định giúp em hoặc tư vấn thêm cho em?
- Bảo tôi quyết định giúp bạn là khó cho tôi rồi! Slogan của Báo SGGP có nêu “Tiên hướng nghiệp, hậu hướng trường”. Có nghĩa là các bạn phải quyết định chọn nghề theo sở thích của mình rồi sau đó mới chọn trường để học. Bạn nên nhớ sự chọn lựa này là quyền của bạn chứ không ai có thể chọn thay cho bạn. Về ngành quản trị nhân sự (nói một cách khái quát là học ngành này ra làm công tác lãnh đạo). Thực tế từ công tác đào tạo tại ĐH Mở cho thấy hiện nay ngành quản trị nhân sự rất hút lao động.
* Em muốn theo học ngành tiếp viên hàng không nên nỗ lực học tốt môn tiếng Anh, nhưng em biết tiêu chuẩn phải có ngoại hình chuẩn nhưng hiện em chưa đủ tiêu chuẩn đó. Vậy xin hỏi em phải làm thế nào?
- Hoan nghênh em đã tự tin đặt câu hỏi và nêu được điểm yếu, điểm mạnh của bản thân. Tuy nhiên, trước khi chọn ngành nghề em phải biết mình có những tố chất nào phù hợp và không phù hợp. Ví dụ như khi em thích ngành tiếp viên hàng không nhưng lại sợ độ cao, ngại tiếp xúc với mọi người, ngại đi lại… là không ổn. Tốt hơn em nên tìm chọn cho mình một ngành nghề khác phù hợp hơn.
- Ước mơ của em là trở thành giám đốc một công ty kinh doanh. Thế nhưng thực tế em thấy có nhiều người không học cao nhưng vẫn thành đạt và làm kinh doanh rất giỏi. Vậy nhất thiết em có cần phải thi đại học không hay tìm một hướng đi khác?
- Chuyên viên Phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM Nguyễn Hà Thạch: Trước khi trả lời tôi hỏi em vậy thực tế sát suất những người thành công trong xã hội mà không cần học nhiều hơn hay chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những người được đào tạo qua trường lớp. Tôi tán đồng ý kiến của em là không nhất thiết bằng mọi giá phải thi vào ĐH. Nhưng để có một tương lai ổn định, ngay bay giờ em phải chọn một nghề phù hợp với năng lực của mình rồi có thể đăng ký học tại các trường nghề.
- Em muốn học ngành kỹ thuật in nhưng tại Cần Thơ không có trường nào đào tạo ngành này. Xin các thầy tư vấn giúp?
- Hiện nay cả nước chỉ có Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đào tạo ngành kỹ sư công nghệ in, thời gian đào tạo 4 năm. Năm 2009, trường tuyển 70 chỉ tiêu (thi khối A), học tại TPHCM. Các bạn có thể đăng ký thi theo cụm tại TPHCM, Cần Thơ và Huế. Tốt nghiệp ngành này, các bạn sẽ làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp in ấn…
- Ngành kỹ thuật môi trường ĐH Cần Thơ có tuyển sinh hai khối A và B. Vậy hệ đào tạo và chương trình học có khác nhau không. Khi ra trường có thể làm việc được ở đâu?
- Chương trình đào tạo đi sâu vào lĩnh vực kỹ thuật phân tích, xử lý chất thải. Ra trường các em có thể làm việc tại các sở tài nguyên môi trường, cảnh sát môi trường và tại các doanh nghiệp…
- Em muốn học ngành mỹ thuật công ngiệp nhưng không biết trường nào có đào tạo ngành mỹ thuật công nghiệp ở TPHCM? Cho em biết điểm trúng tuyển 2008 của một số trường có đào tạo ngành này?
- Ngành mỹ thuật công nghiệp được đào tạo ở ĐH Kiến trúc TPHCM: điểm chuẩn năm 2008 là 19,5không nhân hệ số; ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TPHCM: 13; ĐH dân lập Văn Lang: 19,5 (đã nhân hệ số); ĐH tư thục Kiến trúc Đà Nẵng: 23 (đã nhân hệ số); ĐH Kiến trúc Hà Nội: 19,5 (không nhân hệ số), Viện ĐH Mở Hà Nội: 36 (đã nhân hệ số), ĐH Mỹ thuật công nghiệp...
Ngành mỹ thuật công nghiệp thi khối H gồm văn (thi đề khối C), vẽ trang trí màu (bằng bột màu trên khổ giấy A3), vẽ hình họa mỹ thuật (vẽ mẫu người nam toàn thân bằng bút chì đen trên khổ giấy A1). Tùy từng trường sẽ nhân hệ số 2 môn năng khiếu hay không.
- Cho em hỏi, em hiện đang là sinh viên ĐH Thủy Lợi, và năm sau em có nguyện vọng muốn thi vào một trường ĐH khác, vậy em cần làm thêm những hồ sơ gì khác so với năm học lớp 12 không ạ? Em biết là phải xin chứng nhận của trường đang học, nhưng em không biết là em có cần xin thêm chứng nhận của địa phương nữa không ạ?
- Nếu em muốn dự thi vào một trường ĐH khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Hiệu trưởng trường mà em đang học. Nếu không, kết quả tuyển sinh của em sẽ không được công nhận. Nếu không có thủ tục này, xem như em là TS tự do.
Em phải xác định rõ việc thay đổi ngành học/trường học do nguyên nhân nào để có quyết định chính xác, sau khi quyết định rồi thì quyết tâm với sự lựa chọn của mình để đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc… của bản thân, gia đình và xã hội.
- Em nghe nói năm nay khung điểm ưu tiên cho thí sinh thi ĐH, CĐ sẽ thay đổi, cho em hỏi thay đổi như thế nào?
- Về cơ bản, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh không thay đổi. Còn đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỉ lệ cần thiết.
Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
- Em muốn thi vào ĐH An Giang ngành Phát triển nông thôn, cho em hỏi ngành này đào tạo những gì, ra trường làm việc ở đâu?
- Chuyên ngành phát triển nông thôn của Trường ĐH An Giang đào tạo kỹ sư có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển nông thôn; có đủ năng lực tự học để tiếp tục nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức nhằm thích nghi tốt với nhu cầu đổi mới của đất nước. Có đủ năng lực để tổ chức và quản lý các loại hình sản xuất trong cộng đồng; có khả năng để truyền đạt thông tin, chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có năng lực nghiên cứu tìm ra các giải pháp tác động vào cộng đồng góp phần nâng cao đời sống và phát triển năng lực của cộng đồng ở nông thôn.
SV tốt nghiệp có khả năng làm việc ở các sở, ban, ngành các tỉnh; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư, nghiên cứu thị trường, điều hành sản xuất trong các cơ sở sản xuất có liên quan đến nông thôn thuộc mọi thành phần kinh tế.
SV có thể tham gia vào các nghiệp vụ kinh tế mà mình yêu thích phù hợp với ngành nghề mình sẽ tham gia công tác sau này.
- Em đang học lớp 12 ban A, nhưng 3 môn toán, lý, hóa chỉ đạt trung bình khá. Khi thi tốt nghiệp PTTH, em thi theo đề cơ bản được không?
- Theo quy định, đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh (TS), ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Phần riêng cho TS học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao. TS học chương trình nào thì chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng TS tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Đối với tất cả TS, nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần riêng đều không được chấm.
Đối với các môn ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật): đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả TS, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
- Nếu em thi Trường ĐH Nông Lâm TPHCM không đậu nguyện vọng 1 thì có thể xét nguyện vọng 2 một ngành khác thấp điểm hơn trong trường không?
- Theo quy chế, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 nhưng có điểm thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển thì được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển NV2, NV3 vào bất kỳ trường ĐH, CĐ nào trong cả nước.
Do đó, nếu không trúng tuyển NV1 nhưng điểm thi của bạn bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển NV2 của một ngành nào đó mà Trường ĐH Nông lâm TPHCM thông báo xét tuyển thêm thì bạn được nộp hồ sơ xét tuyển NV2.
- Em hiện đang học lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Huệ của tỉnh Phú Yên, hộ khẩu của em ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Khi thi ĐH em được cộng mấy điểm ưu tiên?
- Em không nói rõ em học lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Huệ từ năm nào nên chúng tôi không trả lời chính xác. Nếu em học từ lớp 10 thì em được hưởng 0,5 điểm, nếu em chỉ học bắt đầu từ lớp 12, còn lớp 10 và 11 em học tại thị trấn Hai Riêng thì em được hưởng 1 điểm ưu tiên khi thi ĐH.
- Xin báo giải thích rõ việc một số trường ĐH và CĐ không tổ chức thi tuyển mà chỉ tổ chức xét tuyển vào trường, và muốn thi vào các trường đó thì phải đăng ký dự tuyển qua trường ĐH khác. Em muốn thi thì phải thực hiện các thủ tục thế nào?
- Em muốn thi vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi thì phải mượn một trường ĐH khác để thi “nhờ”. Cụ thể, khi em nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) phải gửi kèm một bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1 cho Sở GD-ĐT để bàn giao cho các trường không tổ chức thi phiếu số 1. Căn cứ vào đó các trường sẽ nắm được số thí sinh có nguyện vọng vào trường nhưng thi “nhờ” trường khác; đồng thời biết được danh tính, địa chỉ, khối thi và ngành đào tạo...
Thí sinh thi “nhờ” sẽ ghi vào mục 2 trong hồ sơ ĐKDT tên trường, khối thi, mã trường thi “nhờ”, không ghi mã ngành dự thi. Còn mục 3 thì ghi đầy đủ tên trường, mã trường, khối thi, mã ngành. Ví dụ: Nếu thí sinh có nguyện vọng 1 học tại Trường ĐH Y dược TPHCM thì mục 3 để trống. Còn nếu thí sinh có nguyện vọng học ở trường không tổ chức thi (hoặc hệ CĐ của các trường ĐH) thì phải ghi cả mục 2 và mục 3.
Ví dụ: Thí sinh dự thi khối A và có nguyện vọng 1 học ngành Công nghệ SPA và Y sinh học của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, em có thể chọn Trường ĐH Y dược TPHCM để dự thi. Khi đó tại mục 2: ghi tên trường có tổ chức thi (Trường ĐH Y Dược TPHCM), chính là trường mà thí sinh sẽ dự thi để có kết quả; ghi ký hiệu trường, khối thi (A), không ghi mã ngành. Mục 3: ghi tên trường không tổ chức thi mà thí sinh có nguyện vọng theo học (ghi đầy đủ). Lưu ý khối thi ghi ở mục 2 và 3 phải giống nhau.
Sau khi chấm thi xong, các trường có tổ chức thi sẽ chuyển cho trường không tổ chức thi kết quả thi của những thí sinh thi “nhờ” và giấy chứng nhận số 2 có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. Dữ liệu này giúp các trường không tổ chức thi có kết quả xét tuyển.
Các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH sẽ lấy điểm chuẩn riêng cho những thí sinh dự thi vào trường mình khi thi “nhờ” vào một trường ĐH khác. Thông thường, điểm chuẩn các trường không tổ chức thi sẽ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
- Cho em hỏi đề thi ĐH năm nay ra thế nào? Em học chương trình nâng cao thì có được chọn đề của chương trình chuẩn không?
- Cấu trúc đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả hai phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.
Đối với các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật): đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
- Nhà em ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là thuộc khu vực mấy, khi đi thi em được hưởng mấy điểm ưu tiên?
- Em thuộc Khu vực 2-NT, khi đi thi em được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.
- Trong quy định về xét tuyển, Bộ GD-ĐT có quy định về điểm sàn và điểm tối thiểu. Cho tôi hỏi hai điểm này có gì khác nhau?
- Điểm tối thiểu có thể hiểu chính là điểm sàn đối với kết quả thi theo đề CĐ chung của Bộ GD-ĐT (đối với các trường CĐ tổ chức thi trong đợt ba). Do mức độ yêu cầu của đề thi ĐH và đề thi CĐ khác nhau nên bộ không quy định một điểm sàn chung cho hệ CĐ đối với cả hai đề ĐH và CĐ.
Vì thế đối với kết quả thi theo đề ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ xác định điểm sàn ĐH và điểm sàn CĐ (thấp hơn 3 điểm tương ứng với từng khối thi) làm điều kiện để thí sinh được tham gia xét tuyển. Còn đối với kết quả thi bằng đề thi CĐ, mức điểm để đủ điều kiện tham gia xét tuyển sẽ là một mốc điểm tối thiểu. Quy định là “điểm tối thiểu” để phân biệt với “điểm sàn CĐ”. Tùy theo kết quả thi cụ thể của thí sinh, mức điểm tối thiểu có thể bằng hoặc cao hơn hay thấp hơn điểm sàn CĐ.
- Em có hộ khẩu thường trú tại xã Hưng Định, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, vậy em thuộc diện ưu tiên nào? Hiện giờ em đang học lớp 12 ở TPHCM, em có được hưởng ưu tiên không?
- Xã Hưng Định, huyện Thuận An tỉnh Bình Dương thuộc KV2-NT. Tuy nhiên, theo quy chế, hiện tại không còn tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Vì vậy, nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Em không nói rõ em học ở TPHCM từ lớp mấy. Nếu em học lớp 10 và lớp 11 ở Thuận An (Bình Dương) thì em được tính điểm ưu tiên tại đây là được cộng 1 điểm vào điểm thi ĐH, CĐ. Nếu em học ở TPHCM từ lớp 10 thì em không được hưởng ưu tiên.
- Năm trước em thi ĐH nhưng rớt, năm nay em trở thành thí sinh tự do, vậy muốn đăng ký thi ĐH thì nộp hồ sơ ở đâu? Thời gian nộp hồ sơ năm nay thế nào?
- Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các điểm do Sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.
Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: theo hệ thống của Sở GD-ĐT từ ngày 10-3 đến hết ngày 10-4-2009; tại các trường tổ chức thi từ ngày 11-4 đến hết ngày 17-4-2009.
- Em ở Sóc Trăng, muốn lựa chọn địa điểm dự thi thuận lợi với điều kiện của mình có được không? Em ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, vậy em thuộc khu vực nào, khi đi thi em được cộng mấy điểm?
- Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức ba cụm thi tại Vinh, Qui Nhơn và Cần Thơ như những năm trước đây. Thí sinh (TS) được quy định dự thi tại cụm thi nào vẫn dự thi tại cụm thi đó. Tuy nhiên, quy định này không bắt buộc tất cả TS. Đặc biệt, các TS vãng lai, TS tự do đang học tập, luyện thi và tạm trú ở gần địa điểm dự thi nào có thể đăng ký dự thi tại đó mà không nhất thiết phải về cụm thi theo quy định. Và TS phải khai rõ nguyện vọng về địa điểm thi trong hồ sơ đăng ký dự thi trước khi nộp. Cụm thi gần nơi em ở nhất là cụm Cần Thơ.
- Nơi em ở và trường em học thuộc khu vực 1, khi đi thi em được cộng 1,5 điểm vào điểm thi. m muốn học về ngành bảo tồn bảo tàng, xin hỏi trường nào đào tạo ngành này? Bố em là thương binh mất trên 81% sức lao động, năm nay em thi ĐH, xin hỏi em thuộc đối tượng ưu tiên nào, khi đi thi em được cộng bao nhiêu điểm?
- Ngành bảo tàng học ở Trường ĐH Văn hóa TPHCM đào tạo cử nhân ngành bảo tàng có trình độ lý luận và kỹ năng nghiệp vụ, làm việc tại các bảo tàng, di tích và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến di sản văn hóa dân tộc. Nắm vững cơ sở lý luận về bảo tàng học và các khoa học có liên quan. Có khả năng tổ chức, quản lý và thực hiện thành thạo các khâu nghiệp vụ tại các bảo tàng, di tích. SV sau khi tốt nghiệp có khả năng thực hiện các khâu nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng, có kiến thức cơ bản về phân loại và giám định cổ vật...
Em thuộc đối tượng 4 nhóm ưu tiên 1, khi đi thi em được cộng 2 điểm ưu tiên.
- Cho em hỏi hệ số chọi là thế nào? Nếu tỷ lệ chọi quá cao thì em có nên đăng ký dự thi vào ngành, trường đó không?
- Hệ số chọi là tỷ lệ giữa số thí sinh dự thi/chỉ tiêu tuyển sinh. thực ra hệ số này không có ý nghĩa đáng kể, bạn đừng quá bận tâm là mình đi thi phải chọi với bao nhiêu người cùng đăng ký. Theo TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT: “Số thí sinh dự thi “địch thủ” không phải là số thí sinh dự thi (vì có rất nhiều bạn điểm kém) mà mỗi em sẽ “chọi” với những bạn có điểm > = điểm chuẩn, tức là số chỉ tiêu được tuyển. Vì vậy nguyên lý của nó là: các em học giỏi, tự tin vào sức học của mình thì thi vào trường mà em ước mơ, có nguyện vọng theo học”.
- Em muốn dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM, xin hỏi trường này có đào tạo ngành kinh doanh bất động sản không? Điểm chuẩn trúng tuyển năm trước vào ngành này là bao nhiêu?
- Trường ĐH Kinh tế TPHCM có đào tạo chuyên ngành kinh tế bất động sản: Đào tạo SV có kiến thức về tài chính, kinh doanh bất động sản, đồng thời trang bị cho SV các kỹ năng thực hành để có thể tạo ra và quản lý tài sản hiệu quả trong bối cảnh một nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập.
SV tốt nghiệp có thể tìm thấy cơ hội việc làm trong các tổ chức khu vực công và tư nhân mà các tổ chức này có liên quan đến việc sở hữu, phát triển, sử dụng hoặc quản lý đất đai, tài sản và tài sản công ty hoặc trở thành: chuyên viên thẩm định giá bất động sản; cố vấn phát triển bất động sản; nhà quản lý đầu tư và bất động sản; nhà chính sách công. Trường ĐH Kinh tế TPHCM lấy điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành năm 2008 là 18,5.
- Năm nay em thi ĐH, nhưng em chưa có điều kiện để học ngay trong năm nay, vậy em có thể bảo lưu kết quả không, thủ tục thế nào?
- Theo quy định thì TS đến trường nhập học sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trên giấy triệu tập trúng tuyển, nếu không có lý do chính đáng thì coi như bỏ học. Trong trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn thí sinh trúng tuyển cần tiến hành thủ tục xin bảo lưu.
Các trường hợp sau đây có thể được xem là có lý do chính đáng để được xét bảo lưu: bị ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của Ủy ban nhân dân quận, huyện trở lên (Điều 35, Quy chế tuyển sinh) hay những người đã trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ nhưng có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong.
Nếu vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể nhập học được, TS phải trực tiếp đến trường nộp đơn và giải thích với các xác nhận có liên quan. Nếu chính đáng sinh viên có thể được trường giải quyết ngay (bằng quyết định bảo lưu trong 1 năm). Nếu không được sự đồng thuận (không có bản quyết định) mà sinh viên tự ý nghỉ học, sinh viên sẽ chịu điểm không và xem như tự ý nghỉ học.
- Cho em hỏi, ngành vật lý kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) và ngành vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) có giống nhau không? Nếu học ngành vật lý kỹ thuật thì khi ra trường làm việc ở đâu?
- Ngành vật lý kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa đào tạo các lãnh vực chuyên chính của kỹ thuật y sinh: thiết bị y khoa, thiết bị hiển thị hình ảnh y khoa, vật liệu y sinh, tin học y sinh. Ngành vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên đào tạo các chuyên ngành về khoa học vật lý.
SV tốt nghiệp ngành vật lý kỹ thuật có khả năng công tác ở các bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến, các công ty sản xuất hoặc thương mại với các sản phẩm thiết bị y tế công nghệ cao, các trường đại học, viện, phòng thí nghiệm, các đơn vị nghiên cứu có liên quan lĩnh vực y sinh, kiểm tra môi trường …
- Cho em hỏi vì sao học các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) lại được cấp bằng cử nhân, trong khi nhiều trường đào tạo ngành này lại cấp bằng kỹ sư. Vậy bằng kỹ sư và cử nhân khác nhau như thế nào?
- Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đào tạo cử nhân các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh, địa chất… và một số ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, điện tử - viễn thông… trang bị cho sinh viên kiến thức khoa học cơ bản vững vàng và khoa học chuyên ngành cùng các kỹ năng về công nghệ, kỹ thuật ứng dụng.
Trên cơ sở đó, các cử nhân có thể vận dụng kiến thức chuyên môn và khả năng vận dụng vào các nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực khác nhau mang tính sáng tạo, linh hoạt.
Các trường cấp bằng kỹ sư như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đào tạo kiến thức cơ bản và chuyên sâu vào công nghệ, kỹ thuật ứng dụng.
- Em muốn chọn ngành trắc địa để thi. Vậy ngành này học những gì, sau khi học xong thì có thể làm việc ở đâu? Em ở thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, vậy em ở khu vực ưu tiên nào, khi đi thi em được cộng mấy điểm?
- Sinh viên ngành trắc địa và địa chính được đào tạo những kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, chuyên ngành về trắc đạt, bản đồ, GIS... Kỹ sư ngành này có thể công tác trong các lãnh vực: quy hoạch thành phố, nông thôn, quản lý đô thị, tài nguyên thiên nhiên, quản lý đất đai, quy hoạch và sử dụng đất, thi công quan trắc các biến dạng của các công trình xây dựng dân dụng, cầu đường...
Khu vực em ở thuộc khu vực 2, được cộng 0,5 điểm ưu tiên vào kết quả thi ĐH, tuy nhiên với điều kiện em đang học tại trường THPT thuộc khu vực này.
- Trường ĐH Y Dược có tổ chức thi tuyển hệ trung cấp chuyên nghiệp không? Em muốn thi Trung cấp y tế nhưng không muốn thi đại học rồi lấy điểm đó xét tuyển xuống, em phải đăng ký vào trường nào và đăng ký như thế nào?
- ĐH Y Dược TPHCM không tổ chức thi tuyển sinh trung học CN, chỉ xét tuyển các thí sinh thi ĐH khối B theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Điểm căn cứ xét tuyển là điểm thi môn Sinh và Toán, có tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Trường hợp không muốn thi tuyển sinh ĐH, chỉ muốn thi tuyển sinh THCN (Trung cấp y tế), bạn có thể đăng ký thi ở các trường Trung học y tế của Trung ương hay của các tỉnh.
5 điểm mới cần lưu ý |
Về cơ bản công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, có 4 điểm mới thí sinh sẽ phải lưu ý: 1- Môn ngoại ngữ bổ sung thêm 2 môn: tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6) thi theo hình thức trắc nghiệm. 2- Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn đề thi dùng chung cho các trường CĐ có tổ chức thi (kể cả các môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm và các môn thi tự luận). Các môn năng khiếu, các trường CĐ vẫn tự ra đề thi. 3- Đề thi được ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức và phù hợp với nội dung chương trình và thời gian quy định cho mỗi môn thi, phân hóa được các đối tượng học sinh theo yêu cầu riêng của mỗi kỳ thi. Cấu trúc đề thi gồm 2 phần: Phần câu hỏi bắt buộc (phần chung) đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn (phần riêng) theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban. Thí sinh chỉ được chọn một trong 2 phần riêng để làm. Thí sinh nào làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết) thì sẽ không có điểm ở phần này. 4- Vẫn tách riêng 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2009. Do vậy, đội ngũ thanh tra là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ được tăng cường để đảm bảo khách quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các khâu tổ chức thi: in sao đề, coi thi, chấm thi và phúc khảo. Mỗi điểm thi có tối thiểu 25% giám thị là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và bố trí luân phiên giám thị coi thi các môn thi tốt nghiệp trong mỗi phòng thi tại các điểm thi... 5- Nộp lệ phí dự thi và đăng ký dự thi cùng lúc, TS phải cân nhắc trước khi quyết định nộp hồ sơ thi, như vậy sẽ giảm bớt tình trạng hồ sơ ảo đối với các trường tổ chức thi. |