Nhiều trường dành gần cả ngàn chỉ tiêu, nhưng chỉ có 200 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, một số trường ĐH tốp giữa tại các TP lớn đã khóa sổ với điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) cao hơn điểm chuẩn đợt 1.
Nhiều trường kết thúc sớm
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường tuyển không đủ chỉ tiêu sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NVBS từ ngày 13-8. Ở đợt xét tuyển NVBS, các trường được hoàn toàn tự chủ về thời hạn xét tuyển và được kéo dài đến trước ngày 31-12. Ngày 17-8, trong khi nhiều trường ĐH tốp dưới vẫn đang kéo dài thời hạn xét tuyển NVBS thì nhiều trường ĐH tốp giữa đã kết thúc và công bố điểm chuẩn.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tuyển cho 3 cơ sở ở Nha Trang, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Cà Mau. Kết quả cho thấy, điểm chuẩn ở cơ sở Cà Mau tăng so với điểm chuẩn đợt 1 từ 1 - 1,5 điểm. Điểm chuẩn của 2 cơ sở còn lại bằng với điểm chuẩn NV1. Trường ĐH Mở TPHCM điểm chuẩn NVBS các ngành đều tăng so với điểm đợt 1 từ 0,25 - 1,25 điểm. Thống kê cho thấy, lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu cần tuyển rất nhiều.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, điểm chuẩn NVBS của trường tương đương so với điểm chuẩn đợt 1. Lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển NVBS tương đối nhiều nên trường canh vừa đủ chỉ tiêu để kết thúc xét tuyển nhằm chuẩn bị cho các em nhập học và khai giảng chung với thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2), Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Cần Thơ… cũng đã kết thúc và công bố điểm chuẩn NVBS.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong đợt xét tuyển NVBS rất nhiều trường ĐH công lập lẫn các trường ngoài công lập vẫn “chơi” không đúng luật so với quy chế. Dù quy định chung là bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 13-8 nhưng nhiều trường đã thông báo nhận hồ sơ từ ngày 8-8. Trong đó có trường đã cho thí sinh nhập học từ ngày 1-8 và đến ngày 7-8 đã trực tiếp gọi điện mời thí sinh đến nhập học và kết thúc từ ngày 13-8.
“Đói” thí sinh
Ở đợt xét tuyển NVBS, phần lớn là cuộc đua của những trường tốp dưới. Tuy nhiên, có không ít trường tốp giữa đã chơi không đúng luật và theo kiểu “ai nhanh thì được”, khiến cho các trường tốp dưới rất khó khăn.
Hàng loạt trường tốp dưới dành từ 50%-70% chỉ tiêu cho đợt xét tuyển này đang đứng ngồi không yên vì chỉ tiêu nhiều nhưng rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Trường ĐH Trà Vinh dành gần 1.990 chỉ tiêu xét tuyển nhưng đến hết ngày 17-8 chỉ có 200 hồ sơ đăng ký. Điều đáng nói là trường vận dụng đầy đủ các phương thức tuyển sinh như xét điểm thi THPT quốc gia 2017 (vận dụng luôn cả điểm thi bảo lưu năm 2016), xét kết quả học bạ THPT, thí sinh khu vực Tây Nam bộ được giảm 1 điểm (chỉ còn 14,5 điểm) so với điểm sàn năm 2017, nhưng vẫn không thu hút được thí sinh. Trường kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 25-8. Trường ĐH Bạc Liêu dành đến hơn 50% chỉ tiêu (455 chỉ tiêu) xét tuyển bổ sung với 3 phương thức xét tuyển gồm, kết quả thi THPT quốc gia 2017, điểm học bạ THPT và thí sinh thuộc khu vực Tây Nam bộ dưới điểm sàn 1 điểm…
Nhiều trường ĐH khác tại khu vực Tây Nam bộ như ĐH Đồng Tháp, ĐH Kiên Giang, ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Cần Thơ… dành hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NVBS với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn NV1. Phần lớn những ngành xét tuyển NVBS điểm chỉ bằng điểm sàn.
Tại miền Trung, nhiều trường dành rất nhiều chỉ tiêu xét tuyển NVBS với điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trường ĐH Vinh dành đến 2.050 chỉ tiêu, trong đó, nhiều ngành sư phạm như Tin học, Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, do dự báo sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu nên phải kéo dài thời hạn xét tuyển NVBS đến ngày 31-8. Tuy nhiên, ngày 14-8, trường này lại thông báo 240 chỉ tiêu cho ngành sư phạm sẽ lấy điểm chuẩn là 24 điểm. Trường ĐH Quy Nhơn xét tuyển đến 1.230 chỉ tiêu với điểm xét tuyển bằng điểm sàn.
Khu vực Tây Nguyên, nhiều trường cũng dành hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NVBS. Khu vực miền Bắc rất nhiều trường như các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên, ĐH Hùng Vương (Phú Thọ)… nhiều ngành sư phạm như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn… điểm xét tuyển bằng điểm sàn (điểm chuẩn NV1) 15,5 điểm. Hệ CĐ sư phạm ở các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm dù chỉ tiêu xét tuyển không nhiều nhưng vẫn rất ít thí sinh đăng ký. Nhiều trường thông báo xét tuyển 40 - 60 chỉ tiêu nhưng đến nay vẫn không có thí sinh đăng ký.
Trong những năm gần đây, dù đã vận dụng mọi cách để tuyển sinh và điểm trúng tuyển chạm đáy, nhưng nhiều trường vẫn không có sức hút với thí sinh. Đây là hệ quả tất yếu của việc một thời gian dài chúng ta chạy theo số lượng, nâng cấp, phổ cập ĐH nên chất lượng đào tạo không giống ai, sinh viên ra trường không có việc làm. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải quyết liệt với vấn đề “nói không với ngành, với trường không đạt chuẩn chất lượng” để các trường tự chủ, cạnh tranh sòng phẳng và không bao cấp tràn lan.