* Xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc) bầu cử sớm trước 3 ngày
(SGGP).- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vừa ký ban hành hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND vận động bầu cử. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị quân sự, công an…) và cử tri ở địa phương.
Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử nào thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì, tuy nhiên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh vẫn phải cử cán bộ của mình tham dự hội nghị tiếp xúc nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện an toàn, đúng luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.
Hướng dẫn nêu rõ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương đến dự; tổ chức hội nghị để đại diện UBND cùng cấp thông báo với những người ứng cử những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong trường hợp người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh có nhu cầu nghe UBND cấp huyện thuộc đơn vị bầu cử của mình giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố thì cần tổ chức để UBND các đơn vị bầu cử này báo cáo cho người ứng cử nghe.
Đặc biệt, hướng dẫn nêu rõ, việc tổ chức tuyên truyền phải bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri và nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND. Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không trao đổi vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng yêu cầu, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần bảo đảm để người ứng cử có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với đại diện cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21-5).
Cũng theo tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc) bầu cử sớm trước 3 ngày, tức ngày 19-5-2016.
Sáng 20-4, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Gần 200 đại biểu là phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí tỉnh, thành phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) tham gia lớp tập huấn.
Phát biểu khai mạc, ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Báo chí, nhấn mạnh đến 7 vấn đề lớn báo chí cần tập trung trong bối cảnh từ nay đến bầu cử chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Trong đó, ông Phúc đề nghị, thời gian tới các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử, làm rõ những điểm mới trong công tác bầu cử, trong đó coi trọng chất lượng đại biểu, việc giảm tỷ lệ ĐBQH kiêm nhiệm, tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của công dân đi bầu cử.
Giới thiệu về công tác hiệp thương và vận động bầu cử, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thống kê đến cuối ngày 19-4, cả nước có 879 người ứng cử ĐBQH khóa XIV, trong đó khối Trung ương có 197 ứng viên, địa phương là 682 ứng viên. Ứng cử viên ở Trung ương có 29 người là nữ, 7 người ngoài Đảng. Ở khối địa phương, số ứng cử viên là nữ có đến 315 người (46,9%). Ông Pha cho rằng, trong lịch sử chưa bao giờ số ứng cử ĐBQH là nữ đông đảo như lần này. Nếu cộng 29 người ứng cử ở khối Trung ương thì nữ ứng cử ĐBQH khóa này có 344 người, tương đương 39%, vượt yêu cầu là 35%.
Về tự ứng cử ĐBQH, cả nước có 11 người ở 8 tỉnh, thành phố được lập danh sách. Trong đó, Hà Nội, TPHCM và Sóc Trăng, mỗi nơi có 2 người tự ứng cử. Các tỉnh, thành khác gồm Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, mỗi địa phương có 1 người tự ứng cử. Theo ông Pha, 11 người tự ứng cử ĐBQH năm nay có chất lượng rất tốt, đủ tiêu chuẩn, được các địa phương lựa chọn kỹ càng.
Liên quan đến vận động bầu cử, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, muộn nhất đến ngày 27-4, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ công bố danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, khi đó, các ứng cử viên mới được vận động bầu cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Theo ông Pha, luật không cấm vận động bầu cử trên mạng xã hội nhưng nếu vận động trên mạng xã hội thì tác dụng không nhiều. Tốt nhất nên tận dụng hai kênh để vận động là thông qua gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 20-4, Công an TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị thực hiện bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ tại trại tạm giam và nhà tạm giữ của Công an TP Hà Nội.
Theo đánh giá của Công an TP Hà Nội, hiện nay các cơ sở giam giữ của Công an TP Hà Nội đã quán triệt và xây dựng kế hoạch bầu cử cho cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ, trong đó đảm bảo quyền bầu cử đối với những người bị tạm giữ, tạm giam cũng như có kế hoạch bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ trước trong và sau khi bầu cử.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, yêu cầu những nhà tạm giữ của 11 công an các quận, huyện chưa niêm yết danh sách cử tri phải thực hiện ngay theo đúng yêu cầu của Luật Bầu cử. Đến hết ngày 15-5, tại các nhà tạm giữ của công an các quận, huyện phải có danh sách đầy đủ cử tri và đến 24 giờ ngày 21-5 nếu chưa nhận được bản án có hiệu lực thi hành và bản án có kháng cáo, kháng nghị thì cử tri đó vẫn được quyền bầu cử. Được biết, Công an TP Hà Nội hiện có 2 trại tạm giam và 29 nhà tạm giữ.
NHÓM PV