Tỷ phú hoa kiểng nhờ website

Tỷ phú hoa kiểng nhờ website

Theo ông Ba Tài, http://caimon-garden.com là trang web cá nhân đầu tiên trong giới cây hoa kiểng ở TPHCM thuộc về gia đình ông. Sau hơn 6 năm lập website, ông không nhớ nổi mình đã ký bao nhiêu hợp đồng cung cấp cây giống, cây kiểng cho các cơ quan đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

Năm 1999, tình cờ qua một công ty trung gian, vườn hoa kiểng của ông Võ Văn Tấn Tài (Ba Tài) phường Long Bình, quận 9 (TPHCM) có hợp đồng hơn 30.000 USD để làm khuôn viên cho một khách sạn ở Campuchia. Lần đầu tiên người dân quê đưa hoa kiểng đi xuất ngoại với tổng doanh thu hơn nửa tỷ đồng. Nhờ đó, ông Ba Tài đã học được nhiều điều mới về sản xuất cũng như kinh doanh hoa kiểng.

Tỷ phú hoa kiểng nhờ website ảnh 1

Ông Ba Tài bên cây Đại Phú vừa được nhập từ Thái Lan về.

Công trình xong, về nhà ông trằn trọc: nếu không qua đơn vị, công ty trung gian thì số tiền hợp đồng chắn chắn sẽ lớn hơn nhiều. Nhưng làm sao để làm được điều đó? Vốn hiểu biết ít nhiều về kiến thức quảng bá bán hàng qua mạng ông đã có được từ nhiều lần sinh hoạt trong Hội Nông dân phường Long Bình và quận 9.

Vậy là ông bắt tay ngay vào việc thiết lập website về vườn hoa kiểng nhà. Việc trồng và kinh doanh hoa kiểng của ông như được “gãi đúng chỗ ngứa”.

Qua trang web, vườn ươm hoa kiểng nhỏ của ông Ba Tài nhận được những hợp đồng lớn, trị giá vài chục nghìn USD, lại được những khách hàng từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan biết tới. Nhiều khách du lịch ngoại quốc đến TPHCM cũng tìm cho ra địa chỉ vườn ươm của ông, chỉ để ngắm và mua hàng lưu niệm.

Để có được những hợp đồng lớn, ông Ba Tài tâm niệm, trước hết trồng cây gì, con gì cũng phải phấn đấu vươn lên tầm chuyên nghiệp hóa.  Ông thuê mướn đội ngũ thiết kế, trang trí nội thất từ Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và chính ông cũng phải đi học lớp trung cấp trang trí, thiết kế tại trường này để nâng cấp vườn hoa kiểng. Chính vì tính chuyên nghiệp này mà nhiều công ty nước ngoài khi đến để “mục sở thị” vườn kiểng đều được thuyết phục và nhanh chóng ký hợp đồng. Ông vừa mới ký hợp đồng trọn gói với một công ty Nhật ở Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trị giá hơn 300 triệu đồng.

Để có những hợp đồng như thế này phải trưng ra được bản vẽ, mẫu mã thiết kế chi tiết, trồng cây, hoa gì cho phù hợp với phong thổ… mới thuyết phục được khách hàng. Cung cách hoạt động của một nông dân mang đậm tính chuyên nghiệp của ông Ba Tài còn thể hiện ở chỗ: qua internet, ông truy cập vào thế giới hoa kiểng của các nước nổi tiếng như Thái Lan, Hà Lan để “săn hàng độc” từ các nước này mang về lai ghép, nhân giống biến chúng thành những loại hoa kiểng Việt Nam.

Những loại hoa kiểng này lên đến hàng chục triệu đồng mỗi cây, nếu không lai tạo để sản xuất đại trà sẽ khó chấp nhận được ở thị trường Việt Nam. Và để làm được điều này, chính ông và một số nghệ nhân lâu năm phải thường xuyên nghiên cứu để lai ghép ra giống hoa kiểng mới thuần hóa dần được.

Đã có những hợp đồng lớn trị giá hàng trăm triệu đồng được ông Ba Tài ký kết phục vụ cho các công trình hoa kiểng trong các khu công nghiệp Amata, Tam Phước, Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai), KCN Lê Minh Xuân, dải phân cách đường Trần Não, quận 2… Chỉ sau khi ký kết hợp đồng, ông mới hay rằng họ biết tới vườn ươm Cái Mơn của gia đình ông thông qua web. Đó là chưa kể rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến TPHCM tìm cho ra địa chỉ vườn ươm của ông chỉ để ngắm và mua hàng là từ trang web.

Một nông dân chân đất, từ vườn hoa kiểng đơn sơ, ông Ba Tài đã vươn ra “biển lớn” nhờ tính cách làm ăn chuyên nghiệp và biết tận dụng được thế mạnh của thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Đây cũng là một tiềm năng quảng bá, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp vốn còn rất mới mẻ với phần lớn nông dân TP.

QUANG ĐẠT

Tin cùng chuyên mục