
Trụ sở Đội cơ động phòng cháy chữa cháy rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ khá... nên thơ. Đó là một nếp nhà sàn ba gian hai chái, sàn gỗ, tọa lạc trên một dàn cọc xi măng cốt thép. Bên dưới là nước, có cây cầu gỗ dài nối với một “cầu tàu” thông ra với con kênh trước mặt.
Nếu có động tĩnh gì, đội cơ động phòng cháy chữa cháy rừng lao ngay xuống vỏ máy đậu dưới “cầu tàu” để phóng ra kênh rồi luồn rừng tác chiến ngay. Ấn tượng nhất là một chòi canh lửa bằng thép kiên cố, cao sừng sững trước khu đất có ngôi nhà sàn mái lá đơn sơ. Từ xa, cái tháp này và ngôi nhà sàn bên dưới làm nên một “điểm nhấn” rất mạnh trong mắt du khách giữa bao la rừng tràm U Minh Hạ.

Bây giờ là trung tuần tháng 11, mùa mưa vừa dứt, nước còn ngâm chân rừng thì các thứ cá lóc, rô, trê, sặc bổi, tôm càng, lươn, trạch... thiếu gì.
Liếc nhìn quanh, tôi còn thấy nào là đu đủ, chuối, rau, ớt... đủ loại. Vậy là bữa ăn của đội cơ động này tha hồ mà “cơ động” đổi món (!).
Đội trưởng Lâm Văn Nhỏ mời tôi vô nhà. Tiếng nhạc ro ro từ máy truyền hình phát ra ở đây nghe cũng thú vị hơn nhiều so với ở giữa chốn thị thành đô hội...
Anh Nhỏ cho tôi biết, sau vụ cháy rừng U Minh năm 2002 thì điện được kéo về tới đội cơ động. Đội chỉ có 4 người nhưng quê ở khắp ba miền đất nước. Anh Nhỏ quê Cái Nước – Cà Mau. Anh Đồng đội phó đã trụ ở đây 25 năm, quê ngoài Thanh Hóa. Anh Hướng, anh Dũng mỗi người mỗi tỉnh.
Sau một hồi trà thuốc, chúng tôi kéo nhau ra bìa rừng. Đây là lần đầu tiên tôi được ngắm một rừng tràm đặc dụng hệ sinh thái rừng ngập lợ, úng phèn, rất tiêu biểu của rừng U Minh Hạ, được bảo tồn nghiêm ngặt phục vụ cho nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch. Tôi hỏi: - Các anh chỉ có bốn người làm sao đảm đương xuể?
- Đây chỉ là đội cơ động, thường xuyên xục xạo do thám phát hiện các nơi có cháy, từng tiểu vùng lại có các đội đóng chốt bảo vệ riêng. Đến mùa khô chúng tôi còn hợp đồng với bộ đội, công an để tuần tra, bảo vệ...
Tôi quyết định liều một phen, leo lên đỉnh tháp canh lửa. Thang sắt dựng đứng, may mà có lưới bảo vệ xung quanh nên cũng đỡ run. Lên tới đỉnh tháp mới sướng làm sao. Không khí như đạt tới sự trong lành tuyệt đối, người nhẹ tênh, nhìn xuống thấy khu nhà sàn của đội cơ động càng nên thơ giữa màu vàng – xanh bạt ngàn của rừng U Minh bao quanh.
Một anh bạn trẻ đã leo lên chòi lúc nào không hay. Thấy tôi say sưa ngắm rừng tràm dưới mắt, anh nói: - Mùa khô, đứng trên chòi này nóng như lửa, tràm trơ ra, lá rũ xuống, dây leo bám trên thân tràm héo ngắt, căng mắt ra mà canh lửa, canh rừng.
Thì ra thế! Mới đầu mùa khô, rừng U Minh Hạ đẹp hơn tranh Lêvitan (danh họa Nga) này mà tâm trạng con người đã luôn thấp thỏm, đau đáu nỗi lo cháy rừng. Trong chuyến đi này tôi ghi được trong sổ tay một cụm từ mà chỉ đến U Minh mới nghe được: “Nước bỏ rừng” là nguy lắm! Nước – bỏ – rừng tức là lúc nắng và gió làm nước bốc hơi nhanh, mặt nước dưới kênh thấp hơn chân rừng trong lúc mặt rừng đã khô xám, dây leo quanh thân tràm đã héo khô, biến thành mồi cho lửa...
Muốn cứu rừng tràm U Minh Hạ, muốn bảo vệ rừng tràm U Minh Hạ một cách chủ động và bền vững trong mùa khô, xua đuổi hẳn nỗi lo canh cánh, thắc thỏm trong lòng người U Minh hiểm họa cháy rừng, thì phải có nước ngọt từ sông Hậu đổ về, được giữ lại, trữ lại.
Vậy thì cái công trình “Âu thuyền Tắc Thủ” trên sông Cái Tàu xây dựng tốn kém 4 triệu đô la, được người ta trông chờ bấy lâu nay, được báo chí từng hoài vọng: “... Cần phải đợi khi âu thuyền Tắc Thủ ở sông Cái Tàu thi công xong, giữ lại nguồn nước ngọt sông Hậu đưa xuống, ngăn nước mặn từ biển tràn vào, khi đó rừng U Minh mới mong chủ động được nguồn nước...” (báo SGGP ngày 24-2-2006), đến nay đã làm xong, mà sao U Minh Hạ vẫn đau đáu nỗi lo “nước bỏ rừng”, bỏ người...
Tôi đem nỗi ưu tư này về TP Hồ Chí Minh kiếm những người có trách nhiệm để hỏi. Anh N.N., một trong các chuyên gia hàng đầu về thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sa sầm nét mặt, rút ngay cái bản đồ trên giá xuống, chỉ từng chi tiết bản đồ bảo tôi: - Âu thuyền Tắc Thủ làm xong rồi, nhưng là công trình “đánh trống bỏ dùi”, vì làm không đồng bộ.
Tắc Thủ do bên giao thông làm theo yêu cầu của ngành nông nghiệp. Sau đó không đầu tư tiếp các công trình ngăn mặn ở Biện Nhị, Xẻo Rô, để mặn từ biển Tây tràn vô. Không ngăn được mặn, ngọt làm sao mà hút về được! Đấy là chưa kể đã khép kín ngăn mặn phía Quản Lộ Phụng Hiệp bên biển Đông, nay lại mở!
Thế là đã rõ! Tôi nhìn theo tay anh trên bản đồ đồng bằng sông Cửu Long mà... tiếp tục buồn.
Trong mùa chống cháy năm nay, Cà Mau làm rất quyết liệt. Đặc biệt, tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, có diện tích 8.310ha, trong đó có khu rừng đặc dụng Vồ Dơi 3.688ha, có 400ha rừng nguyên sinh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tăng cường thêm 4 tổ máy công suất lớn tham gia phòng cháy chữa cháy.
Thông tin bảo đảm thông suốt. Hiện đã có 27 vỏ máy để tuần tra và vận chuyển phương tiện và sẽ còn được tăng cường... Vậy mà ai cũng vẫn lo âu vì... thiếu nước! Không nước lấy gì mà trị lửa!
Cà Mau 11- 2006 - LÊ PHÚ KHẢI