
Xe đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu thì dừng lại. Chú công an mặc lễ phục tươi cười nói: “Mời cô chú xuống xe đi bộ vào khán đài”. Chúng tôi xuống xe bách bộ. Từ đây vào khán đài (trước cửa dinh Độc Lập xưa) chừng hơn một cây số. Hai bên đường bà con ta ngồi la liệt. Có người trải nilong nằm ngủ. Có cả các cụ cao niên và các cháu nhỏ. Thấy chúng tôi mặc quân phục đại lễ, dây “chiến thắng" và huân huy chương rực rỡ, mọi người đứng dậy reo hò “Chào cô chú bộ đội. Chào chú giải phóng quân". Chúng tôi vẫy tay chào bà con. Cảm xúc nửa thế kỷ trước ùa về. Cách đây đúng 50 năm, như ngọn “cuồng phong” từ năm cánh quân, chúng tôi tràn vào thành phố, bà con cũng reo hò đón như thế. Nếu có khác, trước đây ánh mắt đôi khi còn ngỡ ngàng thì nay thân thiết, ấm áp như đón người thân yêu ruột thịt trở về.
Đường dẫn tới mùa Xuân Đại thắng
Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà năm nay đã trên 80 tuổi. Vừa trải qua cơn bạo bệnh, tôi nghĩ bà khó có thể đi bộ quãng đường hơn một cây số. Trái lại, bà thoăn thoắt bước đi như chưa hề “có tuổi”. Cùng đi với Đại tá Lê Kim Hà có em trai của bà là Trung tướng Lưu Phước Lượng. Tôi biết khá rõ gia đình của Đại tá Lê Kim Hà. Đó là một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cả nhà tham gia kháng chiến và may mắn sau chiến tranh - ngày 30-4-1975 cả gia đình nguyên lành trở về. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tính cả dâu rể, gia đình có nhiều cán bộ cao cấp quân đội.
Bác sĩ Lê Kim Hà tham gia cách mạng khá sớm. Bà theo cha và anh hai vào rừng. Sau đó các em của bà lần lượt vào chiến khu tham gia cách mạng. Mẹ của họ âm thầm sống trong vùng địch tạm chiếm, làm cơ sở cách mạng.
Năm 1965, cậu em trai của bà là Lưu Phước Lượng vào rừng miền Đông tham gia Quân giải phóng. Dù có cha “làm lớn” - người đứng đầu các đơn vị chủ lực của LLVT miền Đông Nam bộ, Lưu Phước Lượng vẫn chọn cho mình lối đi riêng. Ông tình nguyện xuống đơn vị chiến đấu. Và ngay trận đầu “đụng" với Lữ đoàn dù 173 khét tiếng của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, Lưu Phước Lượng đã được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ”. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là chiến sĩ thông tin, Lưu Phước Lượng và đồng đội của ông được bổ sung cho Trung đoàn Quyết Thắng tấn công vào cánh Tây Bắc Sài Gòn. Trận chiến khốc liệt, tổ công tác của Lưu Phước Lượng bị kẹt lại giữa vòng vây của địch. Ém quân trên trần nhà “Má Hai Cây Thị" nay thuộc quận Gò Vấp (TPHCM), Lưu Phước Lượng và đồng đội không hề dao động; vừa chiến đấu, vừa tìm cách trở về đơn vị.
Những tháng ngày chiến đấu ác liệt và thấm đẫm tình đồng đội, tình quân dân ấy, Lưu Phước Lượng đã kể lại trong hồi ký mang tên "Dấu ấn cuộc đời" của ông. Chàng "thư sinh" của đất Bình Dương thơ mộng tham gia cách mạng từ 60 năm trước đã trở thành vị tướng từng được giao nhiều trọng trách nay cùng chị gái về dự đại lễ dâng trào cảm xúc. Tôi thoáng gặp những giọt nước mắt của hai chị em người lính Bộ đội Cụ Hồ này. Họ khóc không chỉ hạnh phúc với những gì mình có hôm nay mà khóc vì nhớ thương cha, anh hai và biết bao đồng đội không có mặt trong ngày vui đại thắng - kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thế nước, lòng dân
Có thể nói, chưa bao giờ “tần suất" giao lưu nghĩa tình đồng đội lại “dày đặc" như đợt kỷ niệm ngày non sông thu về một dải như lần này.
Trước ngày 30-4-2025 có thể nói cả thành phố không ngủ. Dọc những con đường mà lực lượng diễu binh đi qua, hoặc nơi đặt những khẩu pháo và đường bay, không chỉ bà con “Sài Gòn" mà khắp cả nước đã đội nắng dầm mưa chờ đợi. Mục sở thị hình ảnh ấy, tôi không sao cầm được nước mắt. Đây không phải là hành động hiếu kỳ mà thực sự là tấm lòng, tình cảm của người dân với bộ đội nói riêng và tình yêu đất nước nói chung.
Trung tướng Lưu Phước Lượng cho tôi xem bức thư của một cháu gái bằng tuổi cháu nội của ông. Cô bé ấy cùng bạn bè dường như đã đợi bộ đội từ lâu. Tan lễ, Trung tướng Lưu Phước Lượng bách bộ, đến Hồ Con Rùa thì các cháu “bao vây" ông và đồng đội. Sau khi chụp ảnh với các chú giải phóng quân năm nào, cô bé tặng ông lá thư. "Về nhà, ông nhớ đọc nhé?".
Lưu Phước Lượng không chờ về nhà. Lên xe ông mở thư ra xem. Nét chữ học trò ngay ngắn. Điều làm ông không cầm được nước mắt là tình cảm chân thành của thế hệ cháu con với cha ông - những người đã đánh giặc, cứu nước.

Chiến công này thuộc về những người nằm xuống
Trong đợt cao điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều cựu chiến binh trên mọi miền Tổ quốc thăm lại chiến trường xưa.
Từ Bình Phước, chiến trường khốc liệt với địa danh lịch sử: Lộc Ninh, Phước Long, Bù Gia Mập, chúng tôi theo bước chân đồng đội về Long Khốt, Tân An - nơi hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 đã ngã xuống trước giờ toàn thắng. Ngày 27-4, UBND TP Tân An khánh thành Bia ghi nhớ chiến công của Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 và quân dân Long An đã giải phóng thị xã Tân An 50 năm trước.
Một cựu chiến binh của Trung đoàn từ Quảng Ninh vào dự lễ, gặp tôi xúc động nói: “Cách đây 50 năm tôi đã cùng đồng đội giải phóng thành phố này. Trở lại đây tôi không cầm được nước mắt, bởi tại đây hàng trăm đồng đội chúng tôi đã hy sinh trước giờ toàn thắng. Nói cho đúng, tấm bia này không chỉ ghi nhớ chiến công mà chính là ghi nhớ, tri ân những người đã nằm xuống cho chúng ta có ngày hôm nay".

Người cựu binh ấy nói đúng, những ngày kế tiếp gặp mặt các tướng lĩnh, cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây tròn 50 năm, ai cũng nhớ về đồng đội.
Trong dịp lễ trọng này, tôi may mắn gặp những chiến sĩ có mặt đầu tiên tại dinh Độc Lập cách nay tròn nửa thế kỷ. Đó là các chiến sĩ của Lữ đoàn xe tăng mang số hiệu 203 (Quân đoàn 2); Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn 304); Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7)…
Tôi nghĩ đến Trung tướng Lưu Phước Lượng trong bài viết ngắn gọn, súc tích của ông mang tựa đề: “Đường dẫn đến Đại thắng mùa Xuân". Đó là máu xương của toàn dân tộc từ những “cuộc chia ly màu đỏ" sau 1954 đến Xuân Mậu Thân 1968, từ Thành cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc đến Tàu Ô Xóm Ruộng, Long Khốt… tất cả “máu và hoa" đã dệt nên bức tranh "mùa xuân đất nước" cho chúng ta hôm nay được hòa bình.