A. Anh lính trẻ leo lên miệng chiến hào, nhìn rừng xanh bao phủ tứ phía - Rừng xanh mà anh gắn bó như mái nhà ở quê với má thuở ấu thơ. Rồi anh ngồi bệt xuống bên bụi rau tàu bay, anh cần mẫn lục các thứ túi trong ba lô, trong bộ quần áo lính, anh xoi mói các ngõ ngách của chiếc túi dết. Anh đếm đếm, miệng huýt gió 1, 2, 3, 4... Rồi anh hoan hỉ bước sải dài, nhảy qua các rễ cây, tới trạm chỉ huy, đứng nghiêm chào, xin phép ra các tiệm tạp hóa bên bờ sông.
Ngày hòa bình đầu tiên! Mấy tiệm tạp hóa này ở trong vùng của mình, như cái “Bến Bạ”, giặc tới thì chạy, giặc đi thì tụ tập bán ba cái thuốc lá, mì ăn liền, bột ngọt, hầm bà lằng các thứ kẹo dừa, kẹo dẻo, thèo lèo, mứt bí, mứt me...
Ngày hòa bình đầu tiên. Vỏ lãi chạy rần trời dưới sông rạch, ầm ĩ còn hơn tiếng phản lực, trực thăng quần hà rầm trên trời. Mấy đứa con gái Lụa, Là, The, Gấm... con của má Sáu, má Mười, má Tám... bữa nay cũng bày đặt dồi phấn mốc thích, thoa son như môi trầu đỏ chót, liếc ngang liếc dọc kiếm mấy anh bộ đội quen ẩn ẩn hiện hiện mọi khi trong lùm cây bìa rừng.
Anh lính trẻ đã đứng trước tiệm tạp hóa của má Mười, mắt anh láo liên rà như rà mìn các hộc, các ngăn đựng vun chùn các thứ má mới đi bổ hàng về, má lính qua lính quýnh vui quá trời vui, má chưa kịp sắp xếp cái gì ra cái đó.
Anh bộ đội trẻ này đã lóa mắt rồi, anh đếm lại tiền, chép miệng, không rời mắt cái hộc đựng từng viên đều trân trắng tinh, anh cầm một viên lên ngửi - Ôi, cái mùi gì quen quá, nhớ quá! Cái mùi thơm mỗi khi má thay quần áo dắt anh đi xóm - Cái mùi?
– Má Mười! Cho con mua một ký cái này?
– Mèn ơi, mua chi dữ vậy? (má dùng dằng).
– Con chia cho anh em trong đơn vị.
– Đơn vị, đơn vị, lính tráng mà xài chi thứ này? Đây má cho vài cục là đủ. Đem thèo lèo, kẹo đậu phộng, bánh phục linh về chia cho anh em, ăn mừng chiến thắng!
* * *
Anh lính trẻ ngồi dưới gốc cây cày, sành soạn các thứ kẹo bánh, mỗi phần anh thêm một vài viên trắng tinh mà má không chịu bán (!). Và, tất nhiên là anh cắn thử một viên - Anh ngó trước ngó sau, phun phèo phèo khiến bầy kiến rừng chạy tán loạn, làm lũ sóc giựt mình, xoe tròn mắt nhảy tứ tung, nhưng làm sao mà anh có thể liệng nó chớ? Từ từ!
Về tiểu đội, anh chia đều. Tiểu đội trưởng bỗng la: Sao đồng chí để cục này chung với kẹo, hôi muốn chết, cục này là cục long não để trong tủ quần áo cho gián mối nó sợ. Anh bộ đội miền Bắc la toáng: Mùi chất độc hóa học gớm ghiếc chết đi được, phăng teo nó đi cho rồi. Ối giời!
Anh lính trẻ chẳng nói chẳng rằng, anh chọn ra những viên trắng trắng, nhét sâu xuống đáy ba lô, để dành có dịp về thăm má, lén lén để cái mùi của tuổi thơ ngây trong tủ quần áo của má.
B. Không biết chuyện gì đã xảy ra. Ngày rộng tháng dài đã đưa “anh lính Long Não” và mấy cô gái The, Gấm, Lụa, Là gặp nhau trong đêm ca hát ở Câu lạc bộ Lao động Hà Nội. Họ mừng rỡ, đánh nhau chan chát (kiểu mừng của người miền Tây Nam bộ lâu ngày gặp nhau, họ đè xuống đấm đá, la ó theo kiểu mừng yêu đó mà, không sao đâu, đừng có can, không ai có gì đâu). Đúng vậy, họ mừng một hồi rồi rủ nhau đi “quất” một bụng bánh tằm ở phố Hàng Bông Thợ Ruộm, đêm đêm nghe người ta rao bán bánh tằm, nhớ nhà quá!
Họ kéo nhau đi. Chạy rần rần ngang qua trụ sở Ủy ban Hiệp định đình chiến(*), thấy có anh lính Ấn Độ đội mũ có chóp đỏ đi tới đi lui, mấy cô gái sợ quá chạy sút cả guốc dép, thở hào hển đứt cả hơi. Cho tới khi họ nghe tiếng rao “quất, quất” mới tỉnh táo trở lại. Họ sải theo tiếng rao... Thấy một người tay cầm gậy huơ huơ, mang kiếng đen, tay cầm một xâu chìa khóa lắc rẻng rẻng: Tẩm... quất đây! Tẩm... quất đây! Khi đi ngang qua nhà có cửa sắt, một người đàn ông mở cửa vẫy ông mang kiếng đen vào, hỏi có giác hơi không? Mấy cô gái lại ù chạy - Đấm bóp chớ không phải bán bánh tằm! Ôi, họ vừa chạy vừa cười dậy cả phố. Họ đùa giỡn vô tư về cái sự ngây thơ của mình mà quên cả đêm khuya đói bụng trong cái nhà tập thể ở đường số 3 Quang Trung, ở ngõ Hội Vũ, ở số 5 Phan Bội Châu. Một thời có những cái nỗi thơ ngây không làm sao quên được!
Một thời - Mới đó còn mang theo nỗi nhớ con đường làng đêm sáng đuốc lá dừa. Con đường rừng đêm lập lòe đom đóm. Mới đó! Tái xanh mặt tiếng pháo bầy rung chuyển bầu trời... Giờ đây họ đang dắt con thơ đi trên phố phường lạ lẫm mà hồn phố như chia sẻ thân thương, mà người người muốn trao gởi tình thương hào phóng cho những chiếc áo bà ba mộc mạc, chiếc khăn rằn giản dị mà gói ghém bao điều họ trải qua. Và, phố phường Hà Nội phải chăng đã khiến họ kéo dài tuổi hồn nhiên thơ ngây, đến nỗi hỏi với nhau ở đâu có tấm chăn bông ấm áp, có chiếc giường đôi kê trong căn phòng nhà tập thể cho người vợ đón chồng bộ đội mỗi chiều thứ bảy về thăm.
Một lớp người của họ có thật là đáng nhớ? Lớp người ấy vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh sinh tử, khi mà tuổi trẻ của họ chỉ biết có gian nan, vượt gian nan. Vậy mà họ đã vượt núi vượt biển... mua “kẹo long não”, “ăn bánh tầm”... quất no bụng, nghe đồn miền Bắc lạnh đến nỗi búng một cái là gãy lỗ tai vì cơ thể đã thành đá!?
Bao kỷ niệm của thời thanh xuân nay đã biến thành nguồn dinh dưỡng của tuổi già. Nguồn dinh dưỡng ấy, có khi nào con cháu họ thắc mắc sao ông bà, cha mẹ có nhiều kỷ niệm quá, biết để đâu cho hết, biết cất đâu cho còn!?
(Viết trong những cơn mưa trái mùa)
—————————
(*) Ủy ban Hiệp định đình chiến có Ba Lan, Ấn Độ, Canada ở đường Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.
Lê Giang