Ukraine đàm phán trong bất ổn

Ukraine đàm phán trong bất ổn

Ngày 14-5, các bên đã bắt đầu cuộc đàm phán bàn tròn quốc gia nhằm tìm giải pháp kết thúc xung đột kéo dài 6 tháng qua ở nước này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán không có sự tham dự của lực lượng biểu tình ở phía Đông Ukraine.

        Phức tạp nội tình

Cuộc đàm phán bao gồm các quan chức của Chính phủ tạm quyền Ukraine và các lãnh đạo của các khu vực theo lộ trình của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, cơ quan giám sát cuộc đàm phán này. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức, ông Wolfgang Ischinger làm nhà trung gian. Bất chấp khả năng thành công rất thấp song cuộc đàm phán lần này nhưng đây được xem là nỗ lực của Chính phủ lâm thời Kiev nhằm giảm bớt quyền lực từ trung ương và được nhiều lãnh đạo trên thế giới ủng hộ, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo New York Times, đề nghị giảm bớt quyền lực từ chính phủ trung ương ở Kiev và tăng quyền cho các khu vực phù hợp với chính sách của Nga là đưa Ukraine thành một liên bang lỏng lẻo. Từ đó, tạo ra những khu vực với các thống đốc quyền lực lớn về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, phía Chính phủ Kiev cho rằng chuyện liên bang hóa Ukraine là vấn đề khác, và đó là mưu đồ để chia rẽ Ukraine.

Binh sĩ Ukraine tại một điểm kiểm soát ở phía Đông nước này.

Binh sĩ Ukraine tại một điểm kiểm soát ở phía Đông nước này.

Theo BBC, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hiện đang thăm Ukraine cho biết ông hy vọng cuộc đàm phán sẽ dẫn đến việc giải giáp các tay súng vũ trang ở miền Đông và cải thiện tình hình chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5.

Ngay trước khi diễn ra cuộc đàm phán ở Kiev, 6 binh sĩ quân đội Ukraine đã bị sát hại trong một trận phục kích. CNN dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine xem đây là một vụ “tấn công khủng bố”. Vụ việc xảy ra vào tối 13-5 (giờ địa phương) ở làng Oktyabrski thuộc khu vực Slovansk. Khoảng 30 tay súng tấn công quân đội Ukraine bằng nhiều trái lựu đạn. Trong một vụ khác, một chiếc xe chở ông Valeriy Bolotov, người được xem là Thống đốc của Cộng hòa nhân dân tự phong Luhansk, cũng bị tấn công làm ông này bị thương.

        Vũ khí khí đốt

Theo CNN, phát biểu tại Brussels, Thủ tướng tạm quyền Ukraine tiếp tục tố cáo Nga đứng đằng sau những người biểu tình ở phía Đông Ukraine; đồng thời cho biết Ukraine sẽ kiện Nga ra tòa án quốc tế về việc sát nhập khu vực Crimea vào Nga hồi tháng 3 và kiện cả công ty Gazprom của Nga, trừ khi công ty này chấp nhận ngồi lại đàm phán về giá khí đốt với Ukraine. Gazprom cho biết họ tăng giá khí đốt từ mức 268,5 USD/1.000m³ lên 485 USD/1.000m³ là cần thiết vì Ukraine đã nhận tài trợ từ IMF.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc phương Tây cấm vận nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ tạo cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu. Hãng tin Ria-Novosti của Nga dẫn lời ông Mike Fulwood, Giám đốc Cơ quan dịch vụ tư vấn năng lượng Nexant có trụ sở tại Mỹ cho biết, nếu lệnh cấm vận năng lượng áp dụng, các nước như Bulgaria, Macedonia, Slovakia, Phần Lan, Bosnia và Herzegovina sẽ không còn là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga sang cho các nước Tây Âu, khi đó Đức và Italia sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Dự kiến vào đầu năm tới, các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Tây Âu sẽ đóng, trừ đường Blue Stream.

Ông Fulwood cho biết, theo kế hoạch đến năm 2016 Mỹ mới có thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và như vậy trong năm 2015, dự báo giá khí đốt sẽ tăng mạnh ở châu Âu trong khi giá khí đốt của Nga bán sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình CN hôm 12-5 cho biết, EU và Mỹ sẽ đợi kết quả bầu cử tổng thống tại Ukraine sau ngày 25-5 để quyết định xem có siết chặt thêm các biện pháp cấm vận về tài chính, quốc phòng và năng lượng với Nga hay không.

THỤY VŨ (tổng hợp)

>> 89% người dân Donetsk ủng hộ độc lập khu vực

Tin cùng chuyên mục