Ngày 18-12, hàng trăm ngàn người tiếp tục biểu tình tại thủ đô Kiev của Ukraine nhằm ngăn cản quốc hội nước này phê chuẩn các thỏa thuận với Mátxcơva sau khi Nga và Ukraine ký 14 văn kiện hợp tác.
Sắc màu Chiến tranh lạnh
Trong các thỏa thuận hợp tác có 2 điểm đáng chú ý là Nga quyết định mua 15 tỷ USD công trái của Ukraine, giúp Kiev tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và bán khí đốt cho Ukraine với giá 268,5 USD/1.000m³, rẻ hơn so với mức 406 USD hiện nay.
Phát biểu sau lễ ký kết, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych nhấn mạnh các thỏa thuận đạt được lần này chứng minh rằng hợp tác giữa Ukraine và Nga được xây dựng trên một cơ sở vững chắc và có triển vọng phát triển to lớn. Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov thì cho rằng thỏa thuận ký kết với Nga đã giúp Ukraine tránh khỏi bị sụp đổ về kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần khẳng định Kiev - Mátxcơva là đối tác chiến lược, gắn bó với nhau bằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.
Sau khi ra mặt ủng hộ mối “lương duyên” Ukraine và châu Âu mấy ngày qua, Mỹ tái khẳng định quan điểm của mình khi phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney hối thúc Chính phủ Ukraine lắng nghe người dân và tìm cách khôi phục con đường hướng tới một tương lai hòa bình, công bằng, dân chủ và thịnh vượng về kinh tế với châu Âu, mà ông này cho rằng vốn là nguyện vọng của người dân Ukraine. Ông Carney nhấn mạnh bất cứ thỏa thuận nào giữa Ukraine - Nga sẽ không giúp giải quyết mối quan ngại của những người biểu tình ở Kiev. Trước đó, trong một động thái biểu tượng chỉ rõ sự ủng hộ dành cho phe đối lập, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Âu, bà Victoria Nuland, đã tham gia phân phát bánh ngọt cho người biểu tình ở Kiev.
Nhận định về thái độ của Mỹ, chuyên gia quan hệ quốc tế Mỹ Charles Kupchan cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine mang màu sắc Chiến tranh lạnh. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lôi kéo các thành viên cũ của Liên Xô ngả theo phương Tây. Với vai trò địa chính trị quan trọng của Ukraine, chắc chắn Mỹ và phương Tây sẽ tìm mọi cách để Ukraine không xích lại gần Nga. Việc Mỹ ủng hộ phe đối lập vì mục đích chính trị chứ chẳng liên quan gì đến nguyện vọng thật sự của người dân Ukraine.
EU “bắt nạt” Ukraine
Liên minh châu Âu những ngày qua thường đưa ra luận điệu Nga sử dụng sức mạnh kinh tế, quân bài khí đốt để gây sức ép, buộc Kiev ký kết thỏa thuận hợp tác với Mátxcơva. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Hãng CNN, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga Alexei Pushkov cho rằng chính châu Âu đang “bắt nạt” Ukraine. Theo ông Pushkov, Tổng thống Yanukovych từ chối ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) bởi nó chống lại mong muốn của đa số người dân Ukraine. Sau cái lắc đầu từ ông Yanukovych là biểu tình triền miên với sự ủng hộ mạnh mẽ từ EU. “EU đang ép người dân Ukraine tiến tới cái mà họ gọi là thiên đường” - ông Pushkov nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, từng thông báo trước công luận rằng bà đã nói chuyện với ông Yanukovych và Tổng thống Ukraine vẫn muốn ký thỏa thuận hợp tác với EU. Ông Pushkov không chắc chắn như vậy khi mà ông Yanukovych nhiều lần nói rằng ông không hài lòng với nội dung của bản thỏa thuận với EU.
Trước việc cảnh sát trấn áp người biểu tình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi đây là hành động “ghê tởm”. Ông Pushkov cho rằng việc lên án trên hết sức nực cười. “Tôi có cảm giác rằng Mỹ cảm thấy ghê tởm với các chính phủ mà Mỹ không thích và họ cảm thấy vui với các chính phủ mà họ có cảm tình, ngay cả khi chính phủ đó cũng trấn áp dân thường. Mỹ không hề ghê tởm với Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập” - ông Pushkov nói và khẳng định không có lý do nào khác ngoài vấn đề địa chính trị của Ukraine. Mỹ chỉ muốn Ukraine nằm trong tầm ảnh hưởng của châu Âu, đồng minh thân cận với Mỹ.
ĐỖ CAO (tổng hợp)