Ùn ứ nông sản nghiêm trọng tại hàng loạt cửa khẩu phía Bắc

Đến ngày 10-12, có 4.000 xe chở nông sản và hàng hóa đang “mắc kẹt” do chưa thể thông quan tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín. 

Ngày 11-12, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hà Nội), Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn kết nối trực tuyến với tỉnh Long An và TPHCM về việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Long An với thị trường TPHCM và xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) thông tin, đến ngày 10-12, có 4.000 xe chở nông sản và hàng hóa đang “mắc kẹt” do chưa thể thông quan tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, theo thông tin của Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái, ngày 11-12, ở đây tồn 800 xe thủy sản đông lạnh (cá basa, tôm đông lạnh…) và 300 container trái cây, rau củ. Riêng sản phẩm thủy sản tươi sống vẫn thông quan thuận lợi.

Ông Lê Thanh Hòa cũng thông tin, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma ở Lạng Sơn, hiện năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây (chỉ đạt khoảng 220 xe/ngày). Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình chỉ đạt 500 xe/ngày. Các loại nông sản đang ùn tắc ở Tân Thanh là thanh long, mít…  Trung bình mỗi xe mất 10-14 ngày mới được thông quan. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Long An nói riêng cần cập nhật sớm, kịp thời thông tin từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… để giúp doanh nghiệp điều tiết luồng hàng, tránh tình trạng ùn ứ khi đưa lên cửa khẩu. Để giảm rủi ro do ách tắc khi thông quan, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giao dịch có hợp đồng, khai thác cơ hội Trung Quốc sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang của Việt Nam theo đường chính ngạch.  

Cũng tại diễn đàn này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân TPHCM là hơn 8.200 tấn/ngày. Trong đó, rau củ quả hơn 4.200 tấn/ngày, gạo khoảng 2.000 tấn/ngày, thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày…

Theo ông Hiệp, nhu cầu hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay tại TPHCM rất lớn, nhất là sản phẩm gia súc, gia cầm. Dự báo dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt heo tăng 30%-70%, thịt gia cầm tăng 12%-14%, thịt trâu bò tăng 40%-60%...

Tin cùng chuyên mục