Ùn ứ trầm trọng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Vì thiếu đường trên cao?

Ùn ứ trầm trọng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Vì thiếu đường trên cao?

Mặc dù mới được đầu tư, sửa lại hoành tráng khang trang, nhưng con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa của TPHCM đang là nỗi ám ảnh đối với những ai phải lưu thông trên đó, đặc biệt trong các giờ cao điểm sáng, chiều.

Bất kể ngày nào trong tuần, hình ảnh bất thường đó đang trở thành… bình thường. Dòng xe ken kịt, ùn ứ, rồng rắn “cắn” đuôi nhau trên con đường đẹp có hạng của TPHCM, được mệnh danh không chính thức là “con đường ngoại giao” do đặc thù là tuyến độc đạo nối liền Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi vào trung tâm TP.

Ngay cả khi ngành công chính đưa ra biện pháp mang tính bị động, “chữa cháy” là cho phép các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến được trộn dòng thoải mái, đồng nghĩa chấp nhận hình ảnh xô bồ hỗn độn rất mất mỹ quan và cũng không đảm bảo an toàn giao thông trên “con đường ngoại giao”, tình trạng ùn ứ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Lượng xe đi qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rất cao. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Lượng xe đi qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rất cao. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Có một số lý do đã được viện dẫn để giải thích cho tình trạng ùn ứ xảy ra như cơm bữa này của tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Một trong những giải thích đó là do các tuyến đường lân cận như Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ… còn đang bị hạn chế giao thông để đào đường nên tất yếu xe cộ phải dồn sang Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ đó dẫn tới quá tải.

Điều này chỉ đúng một phần, bởi vì theo các chuyên gia am tường địa hạt giao thông vận tải tại TPHCM, nguyên nhân sâu xa và điều cốt lõi lại là do trục giao thông Bắc Nam với hai tuyến đường tiêu biểu là Cách Mạng Tháng Tám và Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho đến giờ vẫn không có giao thông khác mức.

Đặc biệt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vốn giữ vai trò đường trục, lại rộng đến 30m, nhưng tuyệt nhiên không có nút giao lộ khác mức nào, tất cả phương tiện giao thông, công cộng lẫn cá nhân, đều chỉ có một chọn lựa duy nhất là tràn xuống chen chúc trên cùng một mặt phẳng.

Câu hỏi đặt ra là mới được mở rộng nhưng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngay lập tức xảy ra ùn ứ trầm trọng, như vậy phải chăng việc thuần túy mở rộng con đường ngoại giao này đã không thể giúp giải quyết được rốt ráo, triệt để vấn đề lưu thông trên tuyến?

Có ý kiến cho rằng phát triển đường giao thông khác mức chính là chìa khóa giải quyết vấn đề tương tự như vấn đề đang diễn ra trên cung đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Bởi vì chỉ cần một tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc Cách Mạng Tháng Tám có đường trên cao, toàn bộ hướng giao thông từ Sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố sẽ được thông thoáng, không chỉ thông thoáng cho bản thân đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà ngay cả các tuyến lân cận như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám cũng thế.

Nói cách khác, một khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc đường Cách Mạng Tháng Tám có hệ thống đường trên cao, lập tức toàn bộ hướng giao thông Bắc Nam sẽ được hưởng lợi.

Có ít nhất một dẫn chứng về sự tương tác đồng lợi này: đó là khu vực nút giao Cát Lái. Chúng ta vẫn biết khu vực Cát Lái trước đây xảy ra kẹt xe kinh niên, trầm kha do tình trạng xe tải từ ngã tư Thủ Đức rẽ trái vào Cát Lái để đổ ra tỉnh lộ 25B hoặc từ tỉnh lộ 25B rẽ trái ra Xa lộ Hà Nội để qua cầu Sài Gòn. Thế nhưng từ khi có cầu vượt Cát Lái – tức được tổ chức giao thông khác mức, gần như ngay lập tức giao thông đã trở nên thông thoáng.

Không những thế ngay cả tuyến tỉnh lộ 25B giờ đây cũng gần như không còn xảy ra kẹt xe như trước nữa. Sự chuyển biến giao thông trên tỉnh lộ 25B chính là được hưởng lợi do tác động từ xa của nút giao khác mức Cát Lái và cầu Giồng Ông Tố mới, mặc dù bản thân tỉnh lộ 25B chưa hề được cải tạo cơi nới.

Các chuyên gia nói rằng có lẽ vấn đề không phải là xây dựng đường trên cao trên trục giao thông Bắc Nam có cần thiết không mà vấn đề là nên chọn phát triển đường trên cao ở đâu, trên tuyến Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay trên đường Cách Mạng Tháng Tám?

Trên thực tế, tại thời điểm hiện nay nếu triển khai đường trên cao tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ “dễ” hơn thực hiện ở các cung đường lân cận như Hai Bà Trưng hoặc Cách Mạng Tháng Tám. Đơn giản là vì đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa được giải tỏa xong, tức sẽ “đỡ” đụng đến đền bù giải tỏa so với Hai Bà Trưng hoặc Cách Mạng Tháng Tám.

Giả sử với đơn giá đền bù 50 triệu đồng/m² trên đường Cách Mạng Tháng Tám, việc giải tỏa suốt chiều dài 10km rộng vào 20m tính ra sẽ cần không dưới 10.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí xây dựng.

Nói cách khác, nhu cầu giao thông khác mức, phát triển đường trên cao cho tuyến huyết mạch Nam Kỳ Khởi Nghĩa nói riêng và trục giao thông Bắc Nam nói chung là bức thiết, vấn đề chỉ là quyết tâm làm và cách thức thực hiện.

Thiện Nhân

Tin cùng chuyên mục