Ngày 29-6, kết thúc kỳ họp năm 2011 của Ủy ban Di sản thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã công nhận thêm 25 di sản thế giới, đưa tổng số di sản thế giới lên 936 di sản, trong đó có 183 di sản tự nhiên, 725 di sản văn hóa và 28 di sản hỗn hợp cả tự nhiên và văn hóa.
Trong danh sách 25 di sản được công nhận năm 2011 có 21 di sản văn hóa, 3 di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Thành Nhà Hồ của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa. UNESCO quyết định mở rộng quy mô các di sản rừng gỗ sồi nguyên thủy ở khu vực núi Carpat và di sản rừng gỗ sồi cổ xưa nhất ở Đức, đưa Khu Dự trữ sinh quyển Rio Platano của Honduras và Di sản rừng nhiệt đới Sumatra của Indonesia vào danh sách các di sản thế giới trong tình trạng nguy hiểm, đồng thời đưa Khu bảo tồn cuộc sống hoang dã Manas của Ấn Độ khỏi danh sách này.
UNESCO cũng quyết định chọn thủ đô Bangkok của Thái Lan là thủ đô sách thứ 13 của thế giới nhằm ghi nhận sự phát triển văn hóa đọc cho tất cả mọi người và các chương trình phong phú và đa dạng của Bangkok, trong đó đặc biệt nhằm vào thế hệ trẻ và các cộng đồng bị gạt ra bền lề xã hội. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, nhấn mạnh với mục tiêu tăng cường hợp tác và đối thoại, các chương trình của thủ đô Bangkok phản ánh hoàn hảo các mục tiêu của Dự án Thủ đô Sách của thế giới, thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều thành phố trên thế giới.
Thủ đô Sách của thế giới bắt đầu được lựa chọn hàng năm từ năm 2001 với thủ đô sách đầu tiên là thành phố Madrid của Tây Ban Nha trên cơ sở đề nghị của Ủy ban gồm các đại diện của Hiệp hội quốc tế các nhà xuất bản, Liên đoàn quốc tế các nhà bán sách, Liên đoàn quốc tế các hiệp hội thư viện và UNESCO.
TTX
>> Thành nhà Hồ trở thành di sản Thế giới
>> Cần có phương án bảo tồn tổng thể di sản Thành nhà Hồ