Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nếu tăng cường khai thác và ứng dụng địa nhiệt thì có thể sản xuất ra một nguồn điện không nhỏ, có thể đáp ứng tới 10% nhu cầu điện của Mỹ (cụ thể là cung cấp khoảng 100.000 megawatt vào năm 2050, đủ khả năng thay thế 50.000 megawatt điện sản xuất bằng than, gây ô nhiễm môi trường và 40.000 megawatt điện hạt nhân mà Chính phủ Mỹ tin rằng các nhà máy hiện nay sẽ không còn hoạt động nữa trong vòng 25 năm tới).
Cần biết rằng từ thập niên 1970, công nghệ hệ thống địa nhiệt cấp tiến (EGS-enhanced geothermal system) đã thử nghiệm ở một số nơi tại Mỹ cũng như đang được triển khai mạnh tại Pháp, Úc và để phát triển thành công hệ thống điện địa nhiệt thì cần sự hỗ trợ từ công nghệ khoan dầu tiên tiến hiện nay.
Tuy nhiên, khác với việc khoan các giếng dầu thường ở những lớp đá mềm, công nghệ EGS đòi hỏi khoan xuống độ sâu 1,5km đến 10km tới lớp đá rắn. Trong đó, quy trình sản xuất điện địa nhiệt là người ta sẽ cho bơm nước xuống một cái giếng, rồi dẫn nước qua các khe nứt trên lớp đá nóng sau đó thu hơi nước qua một giếng khác để sản xuất điện.
Do phải khoan tìm nguồn địa nhiệt ở những vùng đá cứng, nên chi phí cao gấp 2/3 lần so với khoan giếng dầu thông thường.
Kể từ năm 2006, Bộ Năng lượng Mỹ đã quyết định dành ra khoản ngân sách 24 triệu USD cho nghiên cứu địa nhiệt, mức thấp nhất trong các chương trình nghiên cứu năng lượng tái sinh lớn cấp liên bang và họ tin tưởng khi việc ứng dụng điện địa nhiệt đi vào thực tiễn cuộc sống sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về năng lượng của đất nước.
NHƯ QUỲNH (Theo Physorg.com)