Ứng dụng GIS trong công tác quản lý chất thải

Một người giám sát 52 lộ trình
Ứng dụng GIS trong công tác quản lý chất thải

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) tức là xây dựng bản đồ, đánh giá môi trường và tạo liên kết với mô hình mô phỏng chất lượng môi trường đã tạo nên ưu thế mạnh mẽ trong công tác quản lý môi trường hiện nay. GIS giúp nhà quản lý tiết kiệm thời gian và chi phí khi ứng dụng vào quản lý các hoạt động thu gom chất thải. Điều này càng đặc biệt cần khi nguồn nhân lực và vật lực phục vụ cho hoạt động quản lý chất thải TPHCM đang còn yếu và thiếu.

Hệ thống GIS giúp giám sát lộ trình các xe thu gom chất thải tốt hơn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Hệ thống GIS giúp giám sát lộ trình các xe thu gom chất thải tốt hơn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Một người giám sát 52 lộ trình

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phát triển liên tục làm thay đổi hạ tầng, thành phố đã kéo theo nhiều con đường phải sửa chữa nâng cấp. Các công trường cũng liên tục thay đổi về quy mô và vị trí khiến lộ trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt (vốn đã được quy định bằng văn bản pháp luật chính thức) không còn phù hợp, gây ách tắc giao thông cục bộ tại một số khu vực đồng thời cũng tạo mùi hôi, gây mất mỹ quan đô thị. Đã vậy, việc giám sát lộ trình hiện nay chủ yếu dùng con người là chính, tức là giám sát cơ động, người giám sát sẽ đến trực tiếp để theo dõi đường đi của xe thu gom.

Thống kê của Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố cho thấy, lực lượng giám sát cơ động hiện tại là 5 người, so với 257 lộ trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Như vậy, trung bình một người phải giám sát gần 52 lộ trình. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống GIS thì việc giám sát không thể thực hiện một cách hiệu quả được. Mặt khác, nếu thống kê thêm tất cả lộ trình thu gom chất thải khác như chất thải y tế, nguy hại, công nghiệp… thì nhân lực còn phải chia mỏng hơn rất nhiều.

Thực tế thời gian qua, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố đã nhiều lần phát hiện và lập biên bản những đơn vị thu gom vận chuyển chất thải vi phạm quy định vì đi sai lộ trình. Nguyên nhân vi phạm có thể là do cố tình hoặc vô ý nhưng dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì việc đi sai lộ trình cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường sống của người dân.

Không dừng lại đó, trong một khu liên hiệp xử lý chất thải luôn tồn tại nhiều nhà đầu tư với nhiều hoạt động xử lý chất thải khác nhau như: chôn lấp, xử lý bùn, lò đốt rác, thí điểm biogas… Đây vốn là những hoạt động nhạy cảm với môi trường nhưng các bản đồ chuyên đề về môi trường chưa được thành lập, gây trở ngại đáng kể cho công tác quản lý và đánh giá môi trường tại các khu xử lý trên. Các vị trí bãi thải, bãi chôn lấp… đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch nhưng các tác động môi trường của những nơi trên chưa được thể hiện. Mặt khác, khi có sự cố môi trường như rơi bùn, cháy, nổ, việc xác định vị trí để quy đơn vị chịu trách nhiệm đôi khi khó xác định chính xác trong một số trường hợp.

Công tác quan trắc môi trường bên trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã có ứng dụng nhưng các thông tin quan trắc chưa được cập nhật vào bản đồ môi trường để đối chiếu tương quan. Thực tế cho thấy diện tích khu vực các khu liên hợp, các bãi chôn lấp là rất lớn, nếu không có sự trợ giúp của bản đồ số (có cập nhật thông tin môi trường) sẽ rất khó khăn trong việc đánh giá và nhận định vấn đề về môi trường tại khu vực khảo sát và toàn vùng. Trường hợp xảy ra sự cố về mức độ gia tăng nồng độ các chất thải, khó có thể xác định trách nhiệm cho các nhà đầu tư. Việc này dẫn đến tranh cãi do các thông số, chỉ tiêu môi trường bị tác động bởi gió, mưa, thủy triều… Cuối cùng môi trường vẫn là nơi gánh chịu nhiều hậu quả nhất.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý môi trường

Xuất phát từ thực tế trên, theo ông Nguyễn Cao Thanh Phi, Ban quản lý Khu liên hiệp xử lý chất thải thành phố, cần thiết phải xây dựng bản đồ số để quản lý lộ trình thu gom chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Theo đó, bản đồ bao gồm 2 phần: Một là, bản đồ số quản lý lộ trình thu gom chất thải rắn. Trong đó, mô tả chi tiết đường đi cho phép đối với các các đơn vị thu gom chất thải, định vị rõ ràng khu vực xe thu gom chất thải đang tọa lạc. Mặt khác, hệ thống cho phép khả năng hiệu chỉnh và cập nhật thông tin, đánh giá và điều chỉnh lộ trình sao cho hiệu quả và ít tốn kém nhất cho doanh nghiệp.

Còn trong khu xử lý chất thải, bản đồ sẽ hỗ trợ trong việc quy hoạch, nhận định chất lượng môi trường, khoanh vùng ô nhiễm và nội suy nhanh chất lượng môi trường tại một số nơi không quan trắc. Ngoài ra, cùng với việc định vị vị trí khu vực các nhà đầu tư trên bản đồ số giúp nhà quản lý xác định vị trí, diện tích, loại chất thải cũng như mức độ tác động đến chất lượng môi trường của doanh nghiệp cũng như chủ động ngăn chặn kịp thời những sự cố môi trường có thể xảy ra. Thậm chí, khi xảy ra sự cố môi trường thì việc xác định đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Có thể nói, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để tạo ra bản đồ môi trường trong công tác quản lý chất thải rắn là rất cần thiết, nhất là với một thành phố trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận 7.000 tấn chất thải rắn, 600 tấn chất thải nguy hại, 500 tấn bùn thải và 1.500 tấn chất thải công nghiệp… Đồng thời, giúp tăng năng lực quản lý, cải thiện hiệu quả chất lượng giám sát môi trường. Hiện công nghệ này đã và đang ứng dụng trong công tác quản lý môi trường tại nhiều nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của công nghệ. Vấn đề còn lại là thành phố sẽ chủ động ứng dụng công nghệ này vào quản lý như thế nào?

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục