Bằng việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, nhiều nhà vườn vùng Đông Nam bộ đã tăng năng suất cho vườn cây ăn trái nhưng vẫn giảm được chi phí đầu vào và tiết kiệm nước. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nếu áp dụng đúng quy trình, mỗi gia đình có thể nâng cao thu nhập từ 20% - 50%.
Hệ thống tưới nhỏ giọt cho gốc cây thanh long
Nhiều nơi áp dụng
Về xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, hỏi nhà vườn của anh nông dân Nguyễn Thanh Phước thì ai cũng biết, cũng bởi anh là người đầu tiên ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn quả của gia đình. Cách đây chừng 5 năm, Đồng Nai vào đợt nắng hạn gay gắt. Nhiều hộ gia đình phải khoan giếng sâu đến 70 - 80m vẫn không đủ nước để tưới. Không chấp nhận để mất mùa, anh Phước lặn lội khắp nơi dò hỏi và vô tình biết đến công nghệ tưới nhỏ giọt. Về đến nhà, anh quyết định đầu tư ngay một hệ thống cho vườn nhà.
Khi được hỏi, anh Phước sung sướng khoe rằng, chẳng cần phải vất vả kéo vòi nước chạy khắp vườn tưới cây như trước nữa. Giờ cứ đến giờ tưới nước hay bón phân chỉ việc hòa phân vào nước rồi nhấn nút vận hành hệ thống là xong.
Nhưng niềm vui của anh Phước là sau khi áp dụng hệ thống, năng suất trái cây tăng lên rõ rệt. Lúc đó, gia đình anh có 6ha vườn trồng đủ loại cây như quýt, chôm chôm, sầu riêng, xoài… với năng suất của quýt chỉ đạt khoảng 5 tấn/400 gốc, mẫu mã trái lại không đẹp. Ấy vậy mà sau khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sản lượng tăng vọt lên 10 tấn/400 gốc, trái rất đẹp nên bán được giá cao.
Đặc biệt, cây sầu riêng cho trái không bị sượng, năng suất lại ổn định (từ 10 - 15 tấn/ha) ít bị sâu bệnh, cây phát triển tốt vì đủ độ ẩm. Tiếng lành đồn cả xã. Đến nay, Hưng Lộc là lá cờ đầu của tỉnh Đồng Nai về triển khai hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất, với hơn 80% số vườn cây ăn trái của dân đã phủ hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây phát triển nhanh và cho hiệu quả cao...
Cũng với cách làm tương tự, nhưng nông dân Nguyễn Bá Thịnh ngụ ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã cải tiến hệ thống tưới đạt được cả ba mục đích là tưới nước, bón phân và tưới thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Thịnh, vườn có 3,5ha với 6.500 nọc tiêu, chi phí đầu tư cho hệ thống này là 40 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, đem lại lợi nhuận cho đình ông hơn 1 tỷ đồng. Mô hình này hiện nay đã được ông Nguyễn Bá Thịnh phổ biến, triển khai cho một số hộ nông dân địa phương áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hỗ trợ tiếp cận công nghệ
|
Tại buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề “Giới thiệu hệ thống tưới khoa học và ứng dụng thành công tại Việt Nam” mới đây, bà Phạm Thị Minh Phương, Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM (Cesti) cho biết, Việt Nam có lượng nước dồi dào, trong đó lượng nước dành cho tưới tiêu lên tới 60.000m³/năm. Tuy vậy, diện tích thực tưới thấp hơn, nhiều so với diện tích thiết kế (chi đạt 68% tổng diện tích được tưới), chứng tỏ hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp chưa cao.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam cho biết, so với cách tưới truyền thống, công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm từ 20% - 40% lượng nước và giảm lượng phân bón cho cây trồng, qua đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do phân bón gây ra. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ tưới hiện đại với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10% - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập cho hộ gia đình từ 20% - 50%.
Nói về chi phí đầu tư, ông Vũ Kiên Trung, đại diện một doanh nghiệp cung cấp hệ thống tưới nhỏ giọt khẳng định, mức đầu tư cho công nghệ tưới này không cao. Tùy theo quy mô nhà vườn và lưu lượng nước tưới mà giá thành dao động từ 40 - 60 triệu đồng/ha. Sử dụng nhiều vụ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bà Phạm Thị Minh Phương cho biết, Cesti sẽ làm cầu nối trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong thời gian tới. Cụ thể, khi doanh nghiệp hoặc nông dân đặt nhu cầu, Cesti sẽ sàng lọc và cung cấp các thông tin cần thiết. Sau đó, tùy theo sự lựa chọn của nông dân, Cesti sẽ giới thiệu công nghệ hoặc các chuyên gia tư vấn phù hợp.
NGUYỄN TƯỜNG