Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía

Đơn vị đặt hàng cần tham gia vào quá trình nghiên cứu
Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía

Cùng bức xúc về hiệu quả nghiên cứu khoa học, nhưng góc nhìn của nhà khoa học, của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước, của đơn vị đặt hàng hay góc nhìn của các giảng viên từ trường đại học lại khác nhau. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm “Ứng dụng nhanh và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học” do Báo SGGP phối hợp Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 22-10 để cho thấy những góc nhìn “chưa gặp nhau” ấy.

Ông Lê Minh Dũng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Đơn vị đặt hàng cần tham gia vào quá trình nghiên cứu

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 1

Trong thời gian qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện thông qua các nội dung đặt hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu của đề tài được áp dụng vào trong sản xuất thực tế góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TPHCM.

Tuy nhiên trong thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay có rất nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết, liên quan đến nhiều lĩnh vực như giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các biện pháp cơ giới hóa… Tuy đã có kết quả nghiên cứu vấn đề này, trong đó có nhiều nghiên cứu được đánh giá có tính thực tiễn cao nhưng ngược lại cũng có một số đề tài, nghiên cứu chỉ dừng lại sau khi báo cáo, mà chưa được ứng dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất.

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 2

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: MAI HẢI

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nội dung nghiên cứu chưa đồng bộ, chưa thực tế. Một số đề tài nghiên cứu chỉ giải quyết vấn đề cá biệt đối với một đối tượng, một vấn đề, ở một vùng, địa phương cụ thể do đó không có khả năng áp dụng trên phạm vi rộng. Một số đề tài nghiên cứu chưa thật sự gắn với những vấn đề cần thiết trong thực tế, ví dụ như nghiên cứu về giống cây trồng mới nhưng không quan tâm đến thị trường có tiêu thụ sản phẩm đó không.

Thời gian nghiên cứu kéo dài, khi nghiệm thu xong kết quả thì kết quả trở thành kỹ thuật cũ không phù hợp với nhu cầu của thực tế. Ví dụ việc nghiên cứu một giống cây trồng mới, nhưng sau khi có kết quả thì trên thị trường đã có nhiều giống mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Chưa có kế hoạch, chưa có đơn vị chịu trách nhiệm triển khai kết quả nghiên cứu. Công tác quảng bá, giới thiệu kết quả nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức.

Theo tôi, để triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, các chủ nhiệm đề tài cần tham khảo ý kiến các sở ngành, viện trường có liên quan với nội dung nghiên cứu. Nên có thành viên của sở, ngành tham gia hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài để gắn kết xuyên suốt ngay từ đầu tạo điều kiện cho việc triển khai ứng dụng. Cơ quan ứng dụng nên cử cán bộ kỹ thuật tham dự nghiệm thu đề tài với tư cách là đại biểu khách mời, có chuyên môn phù hợp với nội dung đề tài được nghiệm thu.

PGS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ tự động hóa TPHCM:
Xác định rõ vai trò nhà khoa học

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 3

Ngày càng nhiều trí thức nông dân phát minh hiệu quả, có nhiều người bức xúc: nông dân làm được như vậy, vậy các nhà khoa học ở đâu? Theo tôi, cần phổ biến rộng rãi nghiên cứu khoa học và xác định rõ người làm khoa học là ai? Các nghiên cứu, phát minh sáng chế mọi người đều có thể làm được, ai làm cũng khuyến khích.

Còn ở tầm vĩ mô, các trường đại học, viện nghiên cứu cần đảm nhận những công trình lớn, tầm cỡ như ở các nước phát triển. Tuy nhiên, thực tế nước ta vẫn chưa có nhiều công trình lớn xuất phát từ các trường đại học, viện nghiên cứu nên chúng ta cần xem xét vấn đề này. Bên cạnh đó, kinh phí nghiên cứu cần được xem xét nhanh, kịp thời và hỗ trợ phù hợp, tránh lãng phí. Chúng ta cần cải tiến môi trường khoa học, đó phải là sự kết hợp của 3 nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp để tạo sự thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau để NCKH đạt hiệu quả thực tiễn.

Ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng giám đốc FPT:
Phải phản biện “thật”

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 4

Ở FPT mỗi khi triển khai một dự án nghiên cứu khoa học, chúng tôi tổ chức phản biện rất nghiêm túc. Các câu hỏi được đặt ra ngay từ khi dự án đó chưa được triển khai. Thậm chí, chúng tôi đi tìm những người am hiểu đề tài đó, từng nghiên cứu thất bại trong đề tài đó về để phản biện. Trong một số trường hợp, phản biện đầu tiên về một đề tài, một dự án sắp được nghiên cứu chỉ đơn giản là các câu hỏi: Đã có ai nghiên cứu về đề tài này chưa? Nghiên cứu của mình có gì vượt trội so với nghiên cứu cũ đó? Triển vọng thị trường từ dự án đó là như thế nào…

Việc phản biện từ đầu, khi đề tài chưa được triển khai, mang ý nghĩa khác với phản biện xét duyệt đề tài. Nếu là phản biện xét duyệt, có thể xuất hiện tâm lý nể nang: thôi thì, người ta nghiên cứu mấy năm rồi, nghiệm thu giúp người ta. Nhưng phản biện từ đầu thì khác: tôi thấy đề tài này không triển vọng, anh đừng làm thì tốt hơn!

Đứng trước xu thế hội nhập cạnh tranh hiện nay, tôi cho rằng các nhà khoa học cần phải tạo ra sức cạnh tranh cho mình. Nhà khoa học cũng cần thương hiệu. Nghiên cứu khoa học trong thời kỳ hiện nay rất cần yếu tố nhanh chóng, chính xác. Các doanh nhân thế giới cho rằng, trước đây mất mấy tháng để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới của người tiêu dùng, thì bây giờ họ tạo được sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chỉ trong vòng 3 tuần. Trong cạnh tranh, nhanh là lợi thế lớn. Tốc độ của nghiên cứu khoa học cũng rất quan trọng hiện nay.

PGS.TS Vũ Văn Tiểu, nguyên Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga Bộ Quốc phòng:
Có những nghiên cứu trong nước tốt mà không được dùng

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 5

Chúng tôi đã từng nghiên cứu chế tạo được nhiều sản phẩm không thua chất lượng ngoại nhập. Thế nhưng, người ta vẫn sử dụng sản phẩm ngoại. Nhiều sản phẩm chúng tôi mang bán, người mua đòi chứng chỉ chất lượng ISO 9001-2000. “Chưa có chứng chỉ chất lượng à? Các bác về làm đi, chừng nào có thì mang tới bán, bây giờ chúng tôi mua hàng Singapore”.

Theo tôi, song song với việc nghiên cứu, cần xóa bỏ rào cản để doanh nghiệp, nhà khoa học tiếp cận, học hỏi công nghệ quốc tế. Cần xây dựng thương hiệu, hành lang pháp lý cho sản phẩm  khoa học để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Nhà quản lý và nhà khoa học cần đi trước đón đầu, làm thế nào để đưa sản phẩm vào được cuộc sống.

Tiến sĩ Phan Đình Tuấn, ĐH Bách khoa TPHCM:
Nhiều người lấy được bằng tiến sĩ thì không nghiên cứu nữa

Ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học: Nhìn từ nhiều phía ảnh 6

Đối với trường đại học, nếu không nghiên cứu khoa học, không tiếp cận trình độ khoa học công nghệ mới, các giảng viên sẽ bị lạc hậu công nghệ. Ở trường chúng tôi hiện nay quy định giảng viên trẻ sau 5 năm được giữ lại trường mà không có bằng thạc sĩ thì không ký tiếp hợp đồng. Các thạc sĩ trẻ này, sau 5 năm mà không thực hiện luận án lấy bằng tiến sĩ cũng lại không được ký tiếp hợp đồng. Nghiên cứu khoa học, công bố đề tài nghiên cứu khoa học là trách nhiệm. Tuy vậy, có một thực tế là hiện nay nhiều người sau khi lấy được bằng tiến sĩ thì lại… không nghiên cứu nữa.

Đối với nghiên cứu sinh viên hiện nay, chúng tôi có cấp kinh phí cho sinh viên nghiên cứu nhưng nói thật, nếu chỉ dùng kinh phí đó cấp cho sinh viên thì… chẳng nghiên cứu được gì hết. Tiền đó chỉ đủ để mua vài chai hóa chất, vài dụng cụ là hết. Chúng tôi hiện nay đang phải cho sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu của giáo viên. Thế nhưng, ở đây cũng có một vấn đề: phải có lĩnh vực thích thú, thu hút các bạn, thì các bạn mới muốn tham gia nghiên cứu. Để tăng cường việc tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên, trường cũng đưa ra quy định: các đề tài nghiên cứu khoa học của thầy (cô) có sinh viên tham gia sẽ được điểm ưu tiên khi xét duyệt đề tài.

Nhóm PV

TS Lã Văn Kính, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam:

Nói thật, nếu đứng trên lợi ích của người tiêu dùng tôi vẫn sẽ chọn công nghệ nước ngoài vì chất lượng vượt trội và thương hiệu của nó. Nên tôi đề nghị cần nhìn nhận lại tính cạnh tranh về chất lượng, tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học. Thực tế, lợi ích kinh tế của các công trình nghiên cứu chưa tương xứng với quy mô đầu tư nên không thu hút được các nhà khoa học trẻ.

Tin cùng chuyên mục