Ứng phó biến đổi khí hậu từ quy hoạch

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến TPHCM ngày càng trầm trọng với những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và khó lường. Vì thế, theo các chuyên gia cần có ngay các giải pháp ứng phó ngay từ khâu lập quy hoạch phát triển thành phố để phối hợp đồng bộ và có hiệu quả.
Trồng nhiều cây xanh ven kênh Bến Nghé (TPHCM) góp phần ứng phó biến đổi khí hậu
Trồng nhiều cây xanh ven kênh Bến Nghé (TPHCM) góp phần ứng phó biến đổi khí hậu
Cây xanh, mặt nước “teo tóp” Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt năm 2010, theo Quyết định 24. Trước đó, vào tháng 3-2017, UBND TP đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là phải lồng ghép được các yếu tố BĐKH vào chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, cần đánh giá được mức độ ảnh hưởng của BĐKH đối với thành phố và mức độ tác động đối với từng lĩnh vực, ngành nghề; trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nhằm giảm thiểu thiệt hại do tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong quy hoạch được duyệt năm 2010, có đặt mục tiêu cụ thể về phát triển hệ thống các khu công viên cây xanh, không gian mở, mặt nước. Cụ thể, đối với quận nội thành cũ sẽ cải tạo khu công viên, cây xanh hiện hữu với diện tích 200ha; bên cạnh đó, tận dụng quỹ đất các cơ sở công nghiệp di dời để phát triển thêm 250ha. Về đất rừng, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 75.000ha; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại huyện Bình Chánh 1.500ha và huyện Củ Chi 2.250ha. Thêm vào đó, trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè có bề rộng từ 50-800m, diện tích khoảng 7.000ha. Khu đô thị, khu dân cư mới tại các quận 2, 9, 12 và huyện ngoại thành có nhiều sông rạch, cảnh quan thiên nhiên, tuyệt đối giữ gìn kết hợp tăng thêm khoảng xanh.  Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM cho hay, do tốc độ đô thị hóa khá nhanh nên quá trình thực hiện quy hoạch đã làm thay đổi các vị trí, quy mô, thậm chí thu hẹp cả diện tích phát triển các khu công viên xây xanh trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Chẳng hạn ở huyện Củ Chi có 2.250ha rừng đặc dụng nhưng qua kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố năm 2017 thì Củ Chi không có rừng đặc dụng, vì hiện trạng là đất nông nghiệp trồng màu. Do vậy, Sở QH-KT đề xuất trong quá trình điều chỉnh quy hoạch lần này cần lồng ghép với BĐKH. Việc nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó BĐKH cần tập trung chủ yếu vào việc tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Rà soát khu vực “nhạy cảm” Đối với trục phát triển phía Nam, TPHCM có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội tại huyện Cần Giờ; như vậy, hướng phát triển này sẽ kéo dài tới biển Cần Giờ, thay vì dừng lại ở Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Tuy nhiên, khu vực này có khu dự trữ sinh quyển cần bảo tồn và hiện cũng đang chịu tác động của nước biển dâng; vì thế, Sở QH-KT cho rằng cần đánh giá, rà soát lại quan điểm và mức độ phát triển đô thị, hình thái đô thị đối với khu vực nhạy cảm này trong bối cảnh BĐKH. Từ đó, nghiên cứu giữ gìn các khu vực trũng thấp, kết hợp với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ, tôn tạo hệ thống kênh rạch.  Về tổng thể, cần phân tích đánh giá địa chất, địa hình, xác định các khu vực thuận lợi phát triển đô thị; cảnh báo các khu vực hạn chế, cấm phát triển đô thị, chẳng hạn các khu vực sụt lún, ngập úng, dễ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai… Song song đó, cập nhật điều kiện thủy lợi, thủy văn sông rạch, biển; tích hợp quy hoạch thủy lợi vùng Đông Nam bộ để xác định các lưu vực chính, giải pháp thoát nước, công trình tiêu thoát nước đầu mối để quản lý tài nguyên nước. TPHCM cũng cần có các giải pháp ứng phó thiên tai theo từng vùng, từng trường hợp (sụt lún, biến đổi địa chất, phòng chống lụt bão, vùng ngập nước). Riêng đối với cốt nền xây dựng, cần nghiên cứu giải pháp thủy lợi, chống ngập để đề xuất cao độ nền quy hoạch theo từng khu vực, phù hợp với cao độ nền hiện trạng; hạn chế đào, đắp đất…
Giảm thiểu phát thải

Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược ứng phó BĐKH không chỉ là ứng phó với các tác động tiêu cực của thiên nhiên mà cần phải giảm phát thải khí nhà kính để tránh làm trầm trọng hóa mức độ tác động của BĐKH. Vì thế, cần đưa ngay vào trong quy hoạch chung của thành phố các giải pháp, kế hoạch, mục tiêu giảm phát thải của từng ngành nghề, lĩnh vực phát triển; chẳng hạn việc nghiên cứu và khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hoạt động sản xuất phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường… cũng như xây dựng cơ chế chính sách quản lý tổng thể về mặt Nhà nước. Quy hoạch chung này để làm cơ sở, định hướng cho các quy hoạch chi tiết của riêng mỗi lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục