Ứng phó nhanh, trọn nghĩa tình

“Dì Hằng ơi! Tụi con bên UBND phường 9”. Nghe tiếng người gọi ngoài cửa, dì Lê Thị Thanh Hằng (61 tuổi, ngụ số 42 đường Chiến Thắng, phường 9, quận Phú Nhuận) lật đật đeo khẩu trang ra chào. “Dạ, tụi con đến trao tiền bảo trợ khuyết tật tháng 4 này cho bé Thanh Mi. Dì ký nhận vào sổ giúp tụi con”, anh Cao Xuân Hùng, cán bộ phường 9, nhỏ nhẹ nói với dì Hằng, trong khi vẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo đúng quy định bảo đảm an toàn. 
Trao tiền trợ cấp xã hội tận nhà cho người dân phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trao tiền trợ cấp xã hội tận nhà cho người dân phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Nhận khoản trợ cấp trong tay, dì Hằng đáp lời: “Cảm ơn tụi con bên phường đã bỏ công qua tận nhà dì như vầy. Mấy bữa trước xem tivi thấy người ta khuyến cáo không nên ra khỏi nhà khi không cần thiết mà dì lo quá chừng. Đi ra ngoài thì nguy hiểm, rồi không biết bên phường có làm việc hay không, cần đi nhận tiền trợ cấp thì phải làm sao…”.

Trao tiền bảo trợ nhà dì Hằng xong, anh Hùng và một cán bộ khác tiếp tục chạy xe máy vào các hẻm nhỏ ở khu phố. Trên xe anh lúc này còn chở thêm mấy phần quà đến những hộ dân nằm trong diện cần được quan tâm, chăm sóc. Dừng xe trước nhà bà Trương Thị Kiều (78 tuổi, ngụ 112/33 đường Chiến Thắng, phường 9), anh Hùng ôm từng phần quà gồm một bao gạo 10kg, một thùng mì gói và một túi quà có sữa, đường, dầu ăn, bột ngọt… chuyển vào nhà cho bà. “Dạ, tụi con bên ủy ban phường, bà ơi! Nay phường phân công chuyển một số nhu yếu phẩm hỗ trợ của thành phố, của phường xuống tận nhà bà hỗ trợ thời gian có dịch nè. Tụi con để đây nha bà! Mà bà mang khẩu trang vào nghen”. “Ừa, tụi con cứ để đó. Bà biết rồi. Cảm ơn tụi con”, bà Kiều trả lời, giọng ấm áp.
“Bà Kiều thuộc diện người già neo đơn, hộ cận nghèo, lại bị khuyết tật, mắt bà cũng không nhìn thấy gì. Bởi vậy, ngoài mang tiền trợ cấp người già hàng tháng, tiền trợ cấp hộ cận nghèo, người khuyết tật, bên phường cũng không quên chuẩn bị phần quà là nhu yếu phẩm cần thiết mang cho bà. Ngày thường, người ta đi lại còn không dễ dàng, nói chi những ngày cách ly xã hội. Tụi tui chia nhau xuống tận nơi như vậy là điều nên làm lắm”, anh Hùng kể. 

Ông Nguyễn Đức Lai, Chủ tịch UBND phường 9 cho biết: Trên cơ sở danh sách của Phòng LĐTB-XH quận phú Nhuận và Bưu điện Trung tâm Gia Định gửi về đã phân cụ thể từng tuyến đường, UBND phường phối hợp với MTTQ phường, các ban ngành đoàn thể họp phân công 14 cán bộ, công chức phụ trách từng tuyến đường đến phát tận nhà cho các đối tượng. Bắt đầu từ ngày 4-4 đến 8 giờ ngày 9-4, phường đã phát cho 431/490 trường hợp có mặt tại địa phương. Còn lại 59/490 trường hợp không ở tại địa phương, phường vẫn đang liên hệ. 197 người có công, 400 người nhận lương hưu cũng được cán bộ phường mang đến tận nhà. 

2. Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cùng những quyết định của lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành và đơn vị hành chính trong thành phố chuyển đổi từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến để kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho dân nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt “cách ly xã hội”.

Tại xã Qui Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM), UBND xã cũng hạn chế tối đa nhân sự làm việc trực tiếp, thay vào đó là giải quyết thủ tục hành chính online, đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo yêu cầu của UBND TP. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Qui Đức, cho biết: “Địa phương tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến để người dân nắm rõ, đối với những thủ tục cấp bách như khai sinh, khai tử thì UBND xã vẫn có người trực và giải quyết kịp thời cho người dân”. Để bảo đảm tốt việc “cách ly xã hội”, các đám cưới hỏi trên địa bàn xã đều được người dân hoãn lại; các công trình đang xây dựng cũng hạn chế lượng công nhân làm việc mỗi ngày và đảm bảo đủ khoảng cách an toàn 2m, đeo khẩu trang... 

“Theo phong tục địa phương, đám tang tổ chức khoảng vài ngày, người tới viếng và ở lại phụ giúp gia đình người quá cố rất nhiều. Những trường hợp như vậy, xã vận động để người dân hiểu và hướng dẫn tổ chức tang lễ nhanh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, người tới viếng đi theo lượt để tránh tụ tập quá đông. Phía bên ngoài đám, có bàn để sẵn nước sát khuẩn cho người ra vào đám sử dụng”, bà Yến chia sẻ.

3. Có lẽ, bất cứ ai đều ít nhất một lần thấy phiền bởi cái loa phường xã, hay không mấy thiện cảm với xe tuyên truyền cổ động trên đường. Vậy nhưng, những ngày này, cái loa hay xe tuyên truyền lại nhận được nhiều sự yêu thương của bà con cô bác đến vậy.

“Mấy ông ở phường ngày nào cũng đi mấy lần. Sáng đi rồi chiều thấy rảo lại, cứ rao suốt”, đứng cạnh xe cà phê vỉa hè của mình ở đoạn đường Hồng Hà, nhìn theo chiếc xe loa vừa chạy ngang, chị Nguyễn Thị Minh Vân (40 tuổi) nói. Rồi chị tấm tắc: “Nhớ lại chừng 1 - 2 năm trước, mỗi lần nghe loa phường ngán tận cổ, sợ lắm. Nhưng đợt này, dịch diễn biến phức tạp quá, mà mình buôn bán ngoài đường, không theo dõi tivi hay đọc báo thường xuyên, cũng không biết lên mạng nên nhờ loa phường thông báo nhiều thông tin rõ ràng, hữu ích quá. Cứ nghe riết, mình thuộc nằm lòng các cách tự bảo vệ mình và nhiều khuyến cáo mới nhất”. Đứng cạnh đó, chú Nguyễn Minh Dũng (50 tuổi, bảo vệ công trình xây dựng Việt Hưng) góp lời: “Cổ nói đúng đó. Nghe được, có hiệu quả lắm. Đặc biệt, khu này công nhân nhiều, xe chạy tới chạy lui đã nhắc nhở được họ đeo khẩu trang, bớt lơ là. Riêng chú thỉnh thoảng mới lên mạng, đâu có cập nhật được nhiều thông tin, nhờ nghe loa của phường vậy mà biết thêm nhiều thông tin, các khuyến cáo”. 

“Toàn dân đoàn kết chung tay cùng Chính phủ, TPHCM chống dịch Covid-19. Khuyến cáo 12 việc cần làm ngay như sau: Thứ nhất, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Thứ hai, người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết; người trên 60 tuổi cần phải ở nhà toàn bộ thời gian. Thứ ba, cần đảm bảo cự ly an toàn tối thiểu 2m để tránh nguy cơ virus lây lan…”. Chiếc xe tải phát loa ở phường 9, Phú Nhuận tuyên truyền về dịch Covid-19 rảo quanh các tuyến đường chính như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Đào Duy Anh, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà, Hồ Văn Huê… và các chung cư, các tuyến hẻm lớn trên địa bàn.

Đang ngồi trên xe loa chạy dọc đường Hồng Hà, thấy một người đàn ông không mang khẩu trang, anh Nghiêm Văn Thái (bộ phận văn hóa thông tin phường 9) dùng micro nhanh chóng nhắc nhở: “Đề nghị đeo khẩu trang vào anh ơi!”. Nghe tiếng nhắc, người đàn ông nhanh chóng lôi khẩu trang trong túi ra đeo. 

Hơn 4.000 tờ bướm được phát đến người dân, xe máy cá nhân của đoàn viên thanh niên xã cũng được “trang trí” và trở thành các xe loa di động đi vào tận từng xóm ấp, để tuyên truyền hoạt động phòng chống dịch cho người dân, mặc thời tiết đang những ngày nắng gắt. “Qua thông tin trên báo chí, loa phát thanh xã, tờ rơi người dân cũng biết được tin tức về dịch bệnh nhưng đoàn thanh niên thực hiện thêm các xe loa để đi sâu vào tận từng xóm, từng nhà, để tuyên truyền cụ thể hơn thông tin cho bà con nâng cao ý thức phòng dịch nghiêm ngặt. Các xe loa đến nơi được bà con ủng hộ lắm, vì được nghe thông báo hướng dẫn trực tiếp tại nhà, có thắc mắc gì là bà con hỏi lại mình ngay lập tức”, anh Nguyễn Quốc Dũng (Bí thư Đoàn Thanh niên xã Qui Đức, huyện Bình Chánh) chia sẻ.

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của TPHCM, các cấp ngành từ cơ quan hành chính cao nhất cho đến từng tổ dân phố, xóm ấp tại TP, đã linh hoạt bằng những cách làm trách nhiệm, nghĩa tình.

“Trước một ngày thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ban điều hành khu phố chúng tôi nhanh chóng triệu tập một cuộc họp ngắn gọn nhưng đảm bảo đủ thời lượng để thống nhất, bàn bạc việc phòng chống dịch, hỗ trợ bà con trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và những người bán vé số. Cuộc họp không nhiều người dự, chỉ những thành viên chủ chốt của khu phố và các tổ dân phố, mỗi người ngồi riêng một bàn, cách xa nhau 2m. Và sau hôm đó, tất cả mọi cuộc họp đều được tổ chức trên nhóm Zalo của khu phố. Tui 64 tuổi chứ ít ỏi gì đâu, nhiều cô chú, anh chị khác cũng vậy nhưng ai nấy đều ráng cập nhật công nghệ để có thể nắm tình hình, phổ biến và giúp đỡ dân mình kịp thời” - chú Trần Trí Thông (Bí thư Chi bộ khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp) kể với chúng tôi về những “cuộc họp đặc biệt”.

Tin cùng chuyên mục