Cùng trong xu hướng này, Anh đã thành lập trung tâm chuyên trách truy tìm những đối tượng kích động thù hận trên các phương tiện truyền thông trực tuyến. Trung tâm này nằm dưới sự điều hành của các cảnh sát đến từ Ủy ban Cảnh sát trưởng quốc gia. Dự kiến trung tâm sẽ đi vào hoạt động trước khi kết thúc thúc năm 2017. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm sẽ có vai trò cung cấp các biện pháp xử lý tình huống chuyên nghiệp cũng như các biện pháp hỗ trợ và tư vấn tốt hơn dành cho các nạn nhân của loại tội phạm này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd, việc thành lập trung tâm là một bước đi quan trọng, góp phần đảm bảo các vụ phạm tội trên mạng sẽ được điều tra hợp lý, đồng thời giúp các nạn nhân can đảm trình báo những vụ việc liên quan. Ngoài ra, các hoạt động của trung tâm sẽ góp phần làm sáng tỏ tính chất và mức độ ảnh hưởng của các hình thức tội phạm mạng cũng như thúc đẩy việc điều chỉnh các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ các nạn nhân và đưa các đối tượng gây rối loạn xã hội ra trước công lý.
Hồi đầu năm nay, các Hạ nghị sĩ Anh cũng từng kêu gọi sửa đổi luật để phù hợp với môi trường an ninh mạng ngày càng phức tạp, đặc biệt là với các mối đe dọa từ tội phạm mạng. Hiện nay, tội phạm kích động hận thù trên mạng thường ẩn danh trên các phương tiện liên lạc phổ biến trên Internet như mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn. Đã có một số đề xuất kiến nghị nên có luật mới quy định việc theo dõi thường xuyên các trang mạng kích động khủng bố cũng nên được khép vào hành vi vi phạm pháp luật. Anh không phải là quốc gia đầu tiên trong các nước châu Âu tuyên chiến với các hành vi kích động bạo lực trên mạng. Vào tháng 6 năm nay, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua điều luật cho phép phạt các tập đoàn truyền thông xã hội tới 50 triệu EUR (tương đương 57 triệu USD) nếu những hãng này không xóa bỏ các bình luận mang tính thù ghét và kỳ thị mà Đức xếp vào diện vi phạm pháp luật. Bước đi này của Berlin được đánh giá là một trong những biện pháp mạnh tay nhất thế giới trong cuộc chiến chống thông điệp thù địch trên mạng Internet.
Những bước đi của Anh và Đức trong chiến dịch loại bỏ những thông điệp kích động trong xã hội cho thấy sự cấp bách trong việc đưa môi trường mạng trở nên trong sạch hơn. Điều này càng được xem là cấp thiết bởi châu Âu đang trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của những vụ tấn công khủng bố và bạo lực nhằm vào dân thường. Nếu không ngăn chặn kịp thời, các nhóm khủng bố sẽ dễ dàng lợi dụng những công dân mạng để phát tán các thông điệp cổ súy cho hành động bạo lực, thông điệp cực đoan và phân biệt chủng tộc. Nhằm mở đường cho các nước châu Âu mạnh tay hơn trong quản lý thông tin mạng, từ năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận với các công ty công nghệ lớn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của những phát ngôn có tính chất kích động sự thù hận. EC cùng với Facebook, Twitter, YouTube và Microsoft đã đưa ra các quy chuẩn ứng xử gồm hàng loạt cam kết nhằm ngăn chặn sự phát tán của những phát ngôn thù hận trên mạng.