(SGGPO). - Sáng 12-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trong đó, ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được Thủ tướng đánh giá là có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận tốt cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ứng viên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ với Báo SGGP Online về trọng trách mới.
*Phóng viên: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng các nhân sự cấp cao do Chính phủ trình ra Quốc hội phê chuẩn lần này gồm 2 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng nên có chương trình hành động để ĐBQH có thông tin hơn, yên tâm hơn. Ông nghĩ sao?
* Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hiện nay chưa có quy định các thành viên của Chính phủ phải báo cáo Quốc hội chương trình hành động. Nhưng việc xây dựng chương trình hành động là điều mà mỗi thành viên Chính phủ đều phải hướng tới. Nếu có quy định thì chúng tôi sẵn sàng báo cáo.
Nhưng dù là ai, khi được bổ nhiệm các chức vụ đó thì đều có những kế hoạch, chương trình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, để đảm nhận tốt chức năng nhiệm vụ đó.
* Vai trò của một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là rất quan trọng, vì phụ trách một lĩnh vực rất quan trọng của đất nước là hoạt động đối ngoại. Vậy khi ở vị trí đó, trọng trách của ông chắc chắn rất khác so với hồi ông chỉ đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao?
*Đây không phải là chức vụ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Việt Nam đã có các Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như ông Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm... Đây cũng không phải mới so với thế giới, vì nếu nhìn vào các nước thì vai trò Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rất nhiều.
*Ông có thể tiết lộ về ưu tiên trọng tâm trong nhiệm vụ của ông ở cương vị mới nếu được Quốc hội phê chuẩn, nhất là trong bối cảnh hoạt động đối ngoại rất sôi động hiện nay?
*Chắc chắn, đó là trọng trách cao hơn, trách nhiệm cao hơn. Điều đó cũng nhằm triển khai hoạt động đối ngoại một cách toàn diện, đồng bộ. Vì đối ngoại không chỉ là hoạt động riêng của ngành ngoại giao mà đó là nhiệm vụ của cả nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang hội nhập toàn diện theo đường lối của Đại hội Đảng XI. Có nghĩa, cả Trung ương, địa phương, cả nước cùng tiến hành vào cuộc để hội nhập. Vì thế, trách nhiệm đó không thể chỉ là của ngành ngoại giao.
*Hiện Việt Nam có 2 mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đó là Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng có thể nói về 2 mối quan hệ đặc biệt này?
*Với Liên bang Nga, Tổng thống V.Putin thăm Việt Nam lần này là chuyến thăm cấp cao đáng chú ý trong bối cảnh hai nước đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012. Trong chuyến thăm này của Tổng thống V.Putin, hai nước ký kết nhiều hiệp định nhằm tăng cường quan hệ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quốc phòng.
Với Trung Quốc, chúng ta cũng có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, hai bên đã thảo luận giải quyết những vấn đề khác biệt liên quan đến biển Đông. Trong đó thúc đẩy thực hiện thỏa thuận các nguyên tắc về giải quyết trên biển, có nghĩa là phải giải quyết thông qua hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Trong đó, các bước sắp tới là phải làm sao để phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, tiến đến hợp tác trên biển.
PHAN THẢO thực hiện