Quản lý, bảo tồn di tích và việc đảm bảo phát triển kinh tế xã hội luôn có sự xung đột, chính vì vậy mà Luật Di sản mới ra đời để đảm bảo hài hòa được lợi ích giữa bảo tồn và phát triển.
Vụ việc người dân ký tên xin trả lại di tích làng Đường Lâm, Hà Nội, một làng cổ được công nhận di sản cách nay hơn 10 năm, tuy mới nhưng không hiếm, bởi từ trước tới nay đã có rất nhiều di sản rơi vào tình trạng tương tự, chỉ có điều người dân phải tiếp tục chấp nhận sống trong điều kiện khó khăn ngay trong lòng di sản. Để xảy ra tình trạng đó, hoặc luật đã được áp dụng một cách cứng nhắc hoặc những người có trách nhiệm không ứng xử một cách đúng mức với di sản.
Đường Lâm là ngôi làng cổ hiếm có, cho đến ngày nay vẫn còn giữ được hầu hết những đặc trưng cơ bản của ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, giếng nước, gò đồi, thậm chí cả điếm canh.
Một trong những hình ảnh quen thuộc là đường sá ở Đường Lâm được lát gạch hình xương cá bên cạnh các ngôi nhà được xây bằng đá ong. Hiện ở đây còn gần 1.000 ngôi nhà truyền thống như vậy được xây dựng từ những năm 1649, 1703… và các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đình Mông Phụ, chùa Mía. Vì vậy, hơn ai hết, người dân nơi đây luôn tự hào khi được sống trong lòng một di sản mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được. Nhưng sống trong di sản không có nghĩa là phải sống trong sự khắc nghiệt. Khi vụ việc ở Đường Lâm được các phương tiện truyền thông đưa lên thì mọi người mới biết cho đến thời đại này mà một khi hộ dân nào vi phạm trong xây dựng thì lập tức bị cắt điện, cắt nước, ai muốn có điện nước trở lại phải cạy cục van xin các “ông” quản lý di tích. Nghĩa là sống trong di tích mà những phúc lợi cơ bản vẫn không được đảm bảo thì việc xin trả lại di tích không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.
Nói về làng cổ mới nhớ phố cổ Hội An. Cũng là một di sản với những nét đặc trưng riêng, cư dân nơi đây không phải không trải qua những tháng ngày khó khăn để bảo tồn. Nhưng ở đây, địa phương và những người có trách nhiệm đã thực hiện các giải pháp hiệu quả hơn, vừa bảo tồn được, vừa đảm bảo cuộc sống người dân. Những ngôi nhà cổ, qua thời gian xuống cấp, đã được trùng tu, bảo vệ theo những cách thức linh động người dân có thể chấp nhận được trong khi giá trị di sản vẫn không bị ảnh hưởng. Ở Hội An, người dân có thể sống một cuộc sống đàng hoàng và giàu lên nhờ các giá trị di sản được phát huy. Họ coi di sản gắn bó với đời sống của họ. Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Hội An đã thực sự coi trọng vai trò của cư dân bản địa với tư cách là chủ thể văn hóa và chủ thể sáng tạo văn hóa. Họ giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, trong đó có lưu ý đến lợi ích các đối tác cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó.
Như vậy, bảo tồn và phát huy di sản là không dễ, nhưng không phải nơi nào cũng triệt tiêu giá trị sống của cư dân. Vụ việc Đường Lâm, người dân không có lỗi mà lỗi ở những người được giao làm công việc bảo tồn và phát huy giá trị độc nhất của ngôi làng này. Vận dụng luật một cách xơ cứng, thiếu hiểu biết, vô cảm với giá trị di tích, và không loại trừ vì lợi ích cá nhân khiến cho hơn 10 năm qua người dân Đường Lâm phải sống một cách cực nhọc khó khăn ngay trong ngôi nhà mình. Vụ việc chắc chắn rồi sẽ có hướng giải quyết, nhưng nó cũng cho thấy một cách ứng xử thiếu văn hóa đối với di sản văn hóa của những người làm văn hóa, một hiện tượng xuất hiện và tồn tại không ít hiện nay.
Phương Nam