Ước gì thầy mãi là hiệu trưởng

“Thầy tuyệt vời nhất”
Ước gì thầy mãi là hiệu trưởng

37 năm gắn bó với nghề giáo, ở cương vị nào thầy cũng tỏa sáng, cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, chắp cánh cho học trò vững tin bước vào đời.

Thầy Trần Mậu Minh và học trò Trường THCS Trần Văn Ơn.

Thầy Trần Mậu Minh và học trò Trường THCS Trần Văn Ơn.

“Thầy tuyệt vời nhất”

Ngày giã từ nghề giáo, tạm biệt hàng ngàn học trò thân yêu ở Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TPHCM để nghỉ hưu vào đầu tháng 11-2012, thầy Trần Mậu Minh cảm thấy lòng ấm áp, nhẹ nhàng vì đã hoàn thành nhiệm vụ trồng người. Hình ảnh thầy giáo già thân thiện có khuôn mặt đôn hậu, mái tóc điểm bạc, nụ cười dễ gần và giọng nói ấm áp, truyền cảm luôn lưu giữ trong lòng nhiều thế hệ học trò. Vì thế, ngày chia tay mái trường thân yêu, có trên 500 lời comment (bình luận) trên facebook từ những học trò đang học, đã trưởng thành hay bay xa đến những chân trời du học đã gởi đến thầy lời tri ân.

Thầy Minh bộc bạch chân tình: “Tôi không thể nghĩ mình sẽ nhận được quá nhiều lời tri ân, động viên của các con như thế”. Món quà vô giá mà các em ban tặng cho thầy hiệu trưởng là những kỷ niệm đẹp về thầy và những ngôn từ dạt dào tình yêu thương: “Thầy ơi, con mãi nhớ thầy. Thầy ơi, thầy tuyệt vời nhất! Ước gì thầy mãi là thầy hiệu trưởng…”. Những tình cảm của các thế hệ học trò đã nói lên tất cả những gì thầy Minh đã làm cho học trò, tạo dựng một môi trường học đường thân thiện và nhân văn đúng nghĩa.

Hiếm có hiệu trưởng nào cởi mở và thân thiện như thầy Minh. Cánh cửa phòng hiệu trưởng luôn rộng mở và thầy luôn lắng nghe, sẻ chia từ những chuyện nhỏ nhất, bức xúc nhất. Và cách giải quyết có tình có lý đối với những học sinh phạm lỗi, có biểu hiện chưa ngoan đều khiến các trò tâm phục khẩu phục và thương thầy nên hứa không tái phạm. Điển hình nhất là vụ học sinh H., đã từng lấy can xăng đòi đốt trường để nổi tiếng như nhân vật gây bất an cho thế giới - Bin Laden - bị chuyển từ trường khác về. Hay vụ học sinh trường bắt nạt, đánh hội đồng một học sinh lớp 7 và vụ ăn cắp máy tính xảy ra ngay tại trường… Với cách giáo dục hoàn toàn mới, thầy không phủ đầu quở trách, mắng mỏ mà nhẹ nhàng phân tích sai phạm, vạch chỉ những điều chưa đúng rồi khuyến khích các em tự nhận và sửa lỗi lầm. Cử chỉ ân cần, lắng nghe của thầy hiệu trưởng đã khiến không ít học sinh phạm lỗi phải rơi nước mắt.

Thầy chia sẻ kinh nghiệm: “Ở lứa tuổi mới lớn, coi mình là cái rốn của vũ trụ, nhiều học sinh muốn chứng tỏ, muốn thể hiện làm người hùng. Vì thế không nên có định kiến đấy là hư hỏng, bất trị mà phải giúp các em hiểu hành động đó là nhất thời và cần phải sửa”. Chính quan điểm nhân văn, giáo dục học trò bằng lòng nhân ái, phục thiện của thầy đã khiến không ít học trò dù thích quậy phá, nổi loạn cũng trùng xuống. Đơn giản các em yêu mến và không muốn thầy hiệu trưởng buồn lòng…

Cưng trò mới hiểu trò

10 năm trước, Trường THCS Trần Văn Ơn thường xảy ra hiện tượng bạo lực học đường, học sinh quậy phá khiến dư luận và phụ huynh bức xúc. Còn bây giờ, sự thân thiện, sự đồng hành, sẻ chia, giúp nhau cùng tiến bộ đã lấn át “bóng đen” bạo lực, quậy phá. Tự hào về điều này, thầy Trần Mậu Minh chỉ ra rằng chỉ khi nào tạo được môi trường học đường thân thiện kết nối giữa trò với trò, giữa thầy cô giáo với học sinh, mọi điều phức tạp nhất, khó nhất cũng hóa giải được.

Thế nhưng, để thay đổi tư duy, định kiến về giáo dục học sinh theo xu hướng mới coi trò là trung tâm không đơn giản. Thầy Minh kể: “Khi thấy tôi gần gũi học sinh, gặp ở đâu niềm nở, lắng nghe trò ở đó, nhiều giáo viên phản ứng, cho rằng sự dễ dãi không còn khoảng cách này sẽ khiến học sinh nhờn mặt. Cũng có người bảo tôi cưng chiều học trò quá, cần phải xiết chặt kỷ luật hơn… Nhưng tôi bác bỏ và khuyến khích thầy cô hãy gần học trò của mình và lắng nghe các em muốn gì, thích gì để tìm cách đáp ứng sẽ tạo được môi trường thân thiện đúng nghĩa. Cách làm của tôi đã đúng và thầy cô đã làm theo”. Từ cái nhìn đầy tính nhân văn, thầy đưa ra ý tưởng hơi lạ nhưng phụ huynh, học sinh rất đồng tình. Đó là lấy chuẩn 30 điểm cho hạnh kiểm tốt và số điểm này sẽ tăng hay giảm tùy theo sự tuân thủ nội quy hoặc vi phạm của mỗi em. Nếu phạm lỗi mà có cố gắng sửa sai luôn được cộng điểm thêm. Chính sự thưởng phạt công minh này đã giáo dục học sinh luôn cố gắng phấn đấu làm điều tốt, hạn chế điều chưa hay, chưa đúng.

Trải qua nhiều cương vị quản lý, thầy Trần Mậu Minh luôn thể hiện niềm đam mê, sáng tạo trong công việc mà không mong nhận danh hiệu gì cao quý hơn tình yêu thương của học trò, đồng nghiệp. Thầy là người đã khởi xướng, “ươm hạt giống tin học” - ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thông qua giáo án điện tử, liên lạc với phụ huynh bằng sổ liên lạc điện tử, cho học sinh gởi bài tập, thuyết trình qua mạng… Với niềm đam mê tin học suốt 1/4 thế kỷ qua, thầy đã góp nhiều công sức cho sự nghiệp đổi mới giáo dục ở TPHCM, áp dụng những thành tựu tiên tiến để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập theo xu hướng hội nhập tri thức quốc tế.

Hình ảnh thầy giáo già luôn tươi cười, có mặt ở trường học mọi lúc mọi nơi và luôn online để trao đổi với bất kỳ phụ huynh, học sinh nào muốn bộc bạch tâm sự khiến quan hệ thầy trò, nhà trường, phụ huynh trở nên khăng khít. Tin tưởng vào cái tâm sáng của thầy, nhiệt huyết mong muốn học sinh được thụ hưởng những giá trị giáo dục tốt nhất, nhiều tấm lòng vàng, kể cả cựu học sinh đã thành đạt cùng chung tay đóng góp cho trường. Nhờ vậy, Trường THCS Trần Văn Ơn không ngừng được đầu tư đổi mới, có cơ ngơi khang trang và tự hào vì đã tạo dựng môi trường học tập lẫn rèn luyện thể lực tốt nhất TP. Nơi đây, học sinh có thể nói những điều mình muốn và làm những gì mình thích…

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục