Trong cơn mưa tầm tã chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Thành (54 tuổi) ở số nhà 03 đường 596, ấp Đồn, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM.
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp PTTH, ông Trần Ngọc Thành đi bộ đội và đến năm 1983 xuất ngũ. Năm 1987, ông xin làm văn thư ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng - ngôi trường đã gắn bó với ông bao kỷ niệm.
Ông Thành giỏi môn ngoại ngữ, nhưng chỉ vì căn bệnh “nói lắp” mà ông không được thỏa niềm khao khát “được một lần đứng trên bục giảng”. Hơn 20 năm làm công tác văn thư và bảo vệ ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng là ngần ấy năm ông gắn liền với những kỷ niệm cùng các thầy cô, các em học sinh ở mái trường này.
Với ông, chỉ cần mỗi ngày được đến trường, được dẫn những chiếc xe đạp của các bạn nhỏ xếp thành hàng ngay ngắn, được hỏi han khi có em nào vào lớp trễ hay chỉ đơn giản là được ngắm nhìn các em nhỏ nô đùa trong giờ ra chơi là quá đủ… Ông luôn sống hết mình vì công việc, vì mọi người.
Suốt mấy mươi năm nay chiếc xe đạp luôn là người bạn đồng hành cùng ông rong ruổi khắp các nẻo đường tìm đến nhà những học sinh khó khăn, vận động các em đi học. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều ông thường đến những ngôi chùa để quét dọn, làm công quả. Đó là niềm hạnh phúc, là động lực giúp ông luôn sống vui vẻ, lạc quan.
Nhưng cuộc đời lại lắm trớ trêu khi cách đây không lâu ông mắc phải căn bệnh xuất huyết bao tử, xuất huyết não đột ngột, khiến ông đột quỵ liệt nửa người (ảnh). Nhờ kiên trì luyện tập nên đến nay tình trạng bệnh tật cũng có phần giảm bớt. Hàng ngày gia đình đưa ông đi châm cứu, tập vật lý trị liệu lâu dài và cứ 10 ngày ông phải tới Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi tái khám một lần.
Dù được hỗ trợ BHYT nhưng 20% chi phí phải thanh toán và cả chi phí cho việc chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe để điều trị lâu dài làm gia đình ông rơi vào khốn khó. Hiện tại, trụ cột chính trong gia đình đang đè nặng lên đôi vai của anh Vũ Duy Thường (con rể ông) đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi. Với mức lương 2.500.000 đồng/tháng phải chi cho 4 miệng ăn và 1 bé trai 2 tuổi quả là không thấm vào đâu.
Nhìn những giọt nước mắt của ông khi nói về thân phận mình, chúng tôi không khỏi xúc động. Càng xúc động hơn khi ông khát khao rằng: “Tôi muốn được sống, được khỏi bệnh để đạp xe đến trường mỗi ngày, được giúp đỡ mọi người, được lo cho gia đình”.
Chúng tôi ra về mà lòng cứ trăn trở. Câu châm ngôn đầy nhân ái cứ hiển hiện trong đầu: “Một bát cơm cũng có thể làm vơi đi cơn đói, một ly nước cũng có thể làm vơi đi cơn khát và chỉ cần một bàn tay cũng làm ấm trái tim”. Hy vọng và niềm tin sẽ đến với gia đình ông khi nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng!
Vũ Giang – Mai Trung