Theo nhiều người, tôi được xem đã chạm vào ngưỡng cửa của thành công trên con đường học hành khi đang du học năm cuối ở nước ngoài bằng kinh phí tự túc. Xét ở góc độ hẹp, tôi cũng cảm thấy hài lòng với những gì mình đã được và tự tin với hành trang kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp gặt hái được từ môi trường du học năng động, nhiều cơ hội để trải nghiệm.
Gần đây, theo dõi báo chí và biết học sinh phổ thông Việt Nam đang bước vào mùa tuyển sinh đầu cấp căng thẳng, tôi bỗng nhớ lại nỗi khổ - nỗi ám ảnh phải học, học và cố học vì bố mẹ, vì ước muốn phải vào trường tốp trên, trường chuyên này nọ. Cha mẹ tôi làm việc ở khu vực nhà nước nên dễ dàng xin cho tôi một suất học vào lớp 1 ở ngôi trường có tên tuổi ở một quận trung tâm của TPHCM. Với lực học giỏi suốt những năm tiểu học, cộng với năm cuối cấp lớp 5 bị ép học thêm, tôi cũng lọt vào danh sách lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Khỏi phải nói cha mẹ tôi nở mày, nở mặt và mừng vui như thế nào. Để tôi tiếp tục tỏa sáng, cha mẹ tôi chủ động săn tìm thầy giỏi, có tiếng luyện thi hiệu quả và bắt tôi học thêm các môn khoa học tự nhiên lẫn Anh văn. Dù cố gắng, tôi cũng chỉ là học sinh giỏi nhưng xếp hạng khoảng giữa lớp, chứ chưa bao giờ đứng trong tốp 10 cả. Cứ sau mỗi kỳ họp phụ huynh, thấy con cái phụ huynh khác - bạn bè cùng lớp tôi đứng thứ hạng cao hơn, mẹ tôi lại thuyết giảng bài ca “phải cố lên con ạ, phải học giỏi để tiếp tục học trường chuyên khi vào lớp 10…”. Suốt ngày, hết học ở trường lại đi học thêm ở nhà thầy, trung tâm Anh ngữ nên tôi chẳng còn thời gian nào chơi nhạc, thể thao, bơi lội… May mắn lại mỉm cười với tôi khi danh sách đậu lớp 10 thường Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ở độ tuổi 16 - 17 - 18 đầy khát vọng, đầy niềm đam mê ngoài sách vở nhưng tôi phải học ngày, học đêm, học cả chủ nhật mới theo kịp chương trình và cảm thấy đuối dần ở năm lớp 11- 12. Mẹ tôi rất buồn vì thấy tôi học hành sa sút trước mùa tuyển sinh đại học và không hiểu rõ tại sao tôi ngán học, không còn hứng thú để học. Có lẽ vì áp lực phải học giỏi, phải tỏa sáng ở trường chuyên đã khiến tôi gục ngã, học hành chểnh mảng. Tôi tự hỏi mình muốn gì và những kiến thức đã học, nhồi nhét thêm nhiều công thức toán, lý, hóa và cách giải bài cao siêu đã giúp gì cho mình? Tại sao tôi không có thời gian để rèn luyện thể lực, chơi những môn thể thao mà mình yêu thích? Tại sao tôi không được sống theo ý mình mà phải sống theo ý cha mẹ? Năm đó, tôi vẫn thi đại học nhưng chỉ đạt trên điểm sàn một tí, và điều này khiến cha mẹ tôi rất buồn. Còn tôi, chỉ giải thích là mình không muốn học và muốn thay đổi môi trường học tập. Thấy bạn bè đi du học nhiều, tôi cũng ước mơ có ngày chạm vào nó.
Nhờ có người bà con mở lòng nhận hỗ trợ chuyện ăn, ở, tôi đã du học ở Mỹ với hai năm đầu học cao đẳng cộng đồng và nhờ học với kết quả cao, tôi đã tìm được học bổng 50% vào một trường đại học thuộc tốp 50. Để đạt được thành tích này tôi không phủ nhận một phần nhờ sự cố gắng học tập ở Việt Nam và sự đốc thúc của cha mẹ. So với những gì đã học và được nạp kiến thức ở Việt Nam, tôi cảm thấy học ở Mỹ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thậm chí dễ dàng tỏa sáng về năng lực toán, lý, hóa hơn bạn bè cùng khóa. Thế nhưng, so với họ-sinh viên ở Mỹ và sinh viên quốc tế đến Mỹ học, tôi và giới trẻ Việt cảm thấy mình thua họ qua nhiều thứ, thiếu quá nhiều kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề. Tuy không nhanh nhẹn, giỏi giải toán, lý, hóa như sinh viên Việt Nam nhưng sinh viên nước ngoài luôn làm chủ tình thế, năng động, sáng tạo giải quyết các vấn đề phát sinh tốt nhất. Hơn nữa, trường học nào cũng khuyến khích, tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên rèn luyện thể lực, chơi thể thao thử sức với các môn năng khiếu, nghệ thuật và họ đặc biệt coi trọng những năng khiếu này.
Chính vì thế, tôi mong các bậc cha mẹ đừng áp đặt ước muốn của mình lên con cái. Đừng để chuyện học ở trường lẫn học thêm quá nhiều sẽ cướp mất tuổi thơ và niềm vui đến trường như tôi đã từng trải qua. Chuyện ép con vào trường chuyên từ lớp 6 như cuộc đua vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và các em phải thử sức như vượt qua kỳ thi đại học sẽ khiến học trò sợ học, ngán học rồi thui chột dần đam mê học hành.
THÀNH MINH