USD bắt đầu dịch chuyển sang VND

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng với cá nhân từ ngày 28-9, nhiều ngân hàng (NH) cho biết, đã có sự chuyển dịch từ USD sang VND, kể cả khách hàng doanh nghiệp (DN) lẫn khách hàng cá nhân.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng với cá nhân từ ngày 28-9, nhiều ngân hàng (NH) cho biết, đã có sự chuyển dịch từ USD sang VND, kể cả khách hàng doanh nghiệp (DN) lẫn khách hàng cá nhân.

Rục rịch chuyển đổi

Tại Ngân hàng Nam Á, chị Hạ Nguyên (quận 3) cho biết sổ tiết kiệm 8.000 USD đáo hạn vào ngày 29-9, nhưng chị vẫn quyết định gửi lại mặc dù lãi suất USD chỉ còn 0,25%/năm. Theo chị Nguyên, số tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ này để dùng cho nhu cầu du lịch của gia đình nên chị vẫn giữ như một trong các hình thức tiết kiệm của gia đình mình và không có ý định chuyển sang VND. Trong khi đó, anh Phan Ân (quận 5) cho biết, với 40.000 USD gửi tiết kiệm để đóng tiền học cho con du học Mỹ trong 2 năm tới, anh sẽ chuyển sang VND để hưởng lãi suất

7%/năm, vì lãi suất USD hiện nay quá thấp. “Tôi đã nghĩ đến khả năng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng thời gian qua tỷ giá đã tăng đến 5%, nếu có tăng cũng sẽ không tăng bằng mức lãi suất chênh lệch hơn 6% giữa USD và VND” - anh Ân cho hay.

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều ngày 29-8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, không chỉ có khách hàng cá nhân chuyển từ USD sang VND để hưởng lãi suất có lợi mà lượng khách hàng DN bán USD cho ngân hàng cũng tăng mạnh. Chỉ trong ngày 28-9, doanh số mua USD tại các ngân hàng tăng khoảng 2,7 lần so với những ngày trước, trong khi doanh số bán USD chỉ bằng khoảng 60% so với trước đây, trong đó chủ yếu là cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN.

Theo NH Eximbank thì việc chuyển dịch từ USD sang VND của khách hàng cá nhân sau khi lãi suất USD giảm là có. Tuy nhiên, “việc điều chỉnh lãi suất USD về mức 0% chưa có ảnh hưởng rõ rệt đối với sự dịch chuyển từ tiết kiệm USD sang tiết kiệm bằng VND”- vị này nhận định.

Cơ hội giảm lãi suất cho vay

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quyết định giảm lãi suất USD là nằm trong sự tính toán từ trước của NHNN về chủ trương chống đô la hóa. Bởi lẽ khi lãi suất USD giảm sẽ làm giảm hoạt động đầu cơ găm giữ USD và giúp ổn định VND. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, động thái này của NHNN xuất phát từ việc ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ trong thời gian qua. Trong 9 tháng đầu năm, tiền gửi USD trong tổng tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM ở mức 74.800 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm và chiếm 9,42% trong tổng tiền gửi tiết kiệm, tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ tiền gửi bằng USD trong tổng tiền gửi thanh toán của DN cũng tăng 8,24% so với đầu năm, ở mức 160.150 tỷ đồng. Đặc biệt là trong 3 tháng qua, tiền gửi bằng USD đã tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong tháng 8 (tháng NHNN tăng tỷ giá - PV) thì số tiền gửi bằng USD của cá nhân đã tăng 5% so với tháng 7 và tiền gửi USD thanh toán của các DN cũng đã tăng 9%. Trong khi đó, bình quân trong 6 tháng đầu năm, huy động tiền USD chỉ tăng trung bình từ 0,4-0,5%/tháng và cao nhất là 0,7%/tháng cho cả tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm.

Việc huy động USD tăng đột biến trong mấy tháng qua cho thấy có hiện tượng găm giữ ngoại tệ với kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới. Động thái trên của NHNN sẽ làm cho người dân và tổ chức đẩy mạnh bán USD để chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác, góp phần giảm việc găm giữ ngoại tệ trong thời gian tới.

Liên quan đến việc lãi suất huy động USD giảm sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trong thời gian tới? Ông Nguyễn Hoàng Minh phân tích: việc giảm lãi suất huy động USD tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa huy động VND và USD. Từ đó các ngân hàng có điều kiện huy động VND nhiều hơn. Trong những tháng cuối năm, cầu tín dụng lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn dành cho sản xuất kinh doanh nên các ngân hàng thu hút lượng huy động VND dồi dào sẽ tạo nguồn cung vốn cho các DN. Đây cũng là cơ hội rút ngắn và kéo giảm lãi suất huy động vốn xuống, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

NHUNG  NGUYỄN

 Các doanh nghiệp nói gì?

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng ban Xuất nhập khẩu Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, với DN, việc trữ USD không phải để sinh lợi mà để sử dụng quay vòng chi phí xuất nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá hoặc khan hiếm ngoại tệ trên thị trường. Đồng thời, chủ động giải quyết nhanh nhu cầu thanh toán của DN. Do đó, DN không thể bán ngoại tệ hoặc chuyển ngoại tệ sang VND.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM DV Khương Mai, phân tích ngay từ thực tế công ty: chốt giá nguyên liệu nhập khẩu từ tháng 2 với giá 21.800 đồng/USD, đến đầu tháng 9, giá USD thanh toán lên đến 22.520 đồng/USD. Vậy là cứ 1 triệu USD thanh toán thì doanh nghiệp mất khoảng 720 triệu đồng. Điều này khiến công ty bị lỗ kép do giá nguyên liệu trên thế giới vào thời điểm tháng 8 thấp hơn thời điểm công ty chốt giá vào tháng 2, kéo theo giá thành sản phẩm phải giảm giá theo dù chi phí chi trả nguyên liệu không được giảm. Đã vậy, công ty còn phải trả chi phí tăng thêm do tỷ giá ngoại tệ biến động. Mặt khác, với những DN không đảm bảo cân bằng giữa xuất và nhập khẩu mà có tỷ lệ chi phí nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, còn bị ngân hàng áp dụng mức giá mua ngoại tệ cao hơn mức giá NHNN áp trần. Như vậy, thiệt hại kinh tế còn cao hơn rất nhiều. Điều này khiến các DN có tâm lý trữ USD thay vì đổi sang tiền đồng.

Riêng với các DN nhập khẩu nguyên liệu và cung ứng sản phẩm chủ yếu cho thị phần nội địa thì đây là tin vui. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh cho biết, công ty chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa nên việc hạn chế đô la hóa nền kinh tế cũng sẽ giúp DN mua ngoại tệ thanh toán được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh lãi suất vừa rồi mới thực hiện nên chưa thấy có tác động lớn gì đến hoạt động của công ty.

ÁI  VÂN

 Giá mua bán USD giảm nhẹ

Giá mua bán USD đã liên tục hạ nhiệt trong hai ngày qua. Đến cuối giờ chiều ngày 29-9, tại các ngân hàng, giá mua vào dao động ở mức 22.410 - 22.430 đồng/USD, bán ra ở mức 22.510 đồng/USD. Trên thị trường tự do tại TPHCM, giá mua vào ở mức 25.350 - 22.450 đồng/USD, bán ra 22.540 đồng/USD. Thậm chí có nơi còn ép giá mua vào USD chỉ còn 22.250 đồng/USD. Các loại ngoại tệ khác cũng giảm mạnh theo USD, đồng eur bán ra tại Eximbank còn 25.413 đồng/eur, đồng Úc chỉ còn 15.746 đồng, bảng Anh chỉ còn 34.299 đồng…

MINH THUẬN

Tin cùng chuyên mục