Công trình xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu xây dựng của các nước đang phát triển tăng nhanh. Xây dựng công trình xanh giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (năng lượng, nước, vật liệu) của công trình, đồng thời giảm tác động của công trình đối với sức khỏe con người và môi trường. Tại Việt Nam, trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích bảo vệ môi trường vẫn chưa có ưu đãi, hỗ trợ áp dụng cho các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn
Tại hội thảo về “Công trình xanh và hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” do Sở Xây dựng TPHCM phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (WB) tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013 của Bộ Xây dựng về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả được áp dụng từ tháng 11-2013 cho các đô thị, hiện đã áp dụng trong thẩm định thiết kế, xây dựng và cải tạo các tòa nhà văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại và các khu dân cư. Hiện TPHCM là đô thị tiên phong trên cả nước triển khai QCVN 09:2013 để phát triển các công trình xanh, là địa phương có nhiều công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng nhất, đáng để các tỉnh thành học hỏi. Trong khi đó, tại một số đô thị tại miền Bắc, bộ cũng đã triển khai quy chuẩn trên nhưng tốc độ phát triển công trình xanh còn chậm.
Dự án E-home 5 tại TPHCM là một trong 2 dự án đầu tiên được WB trao chứng chỉ Công trình xanh theo tiêu chuẩn EDGE. Ảnh: HUY ANH
Mặc dù vậy, theo ông Thịnh, quá trình thực hiện quy chuẩn này vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Một số đơn vị tư vấn được giao trách nhiệm thẩm tra, thẩm định dự án còn bỏ qua nhiều khâu. Các công trình xây dựng hiện nay, kể cả những công trình lớn thì các quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng, an toàn sinh mạng, bảo đảm người khuyết tật tiếp cận… vẫn chưa được quan tâm.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng, để quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn, Nhà nước đã xây dựng và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Hệ thống này cũng đã được điều chỉnh, bổ sung tất cả các lĩnh vực của ngành xây dựng và đã được các địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng áp dụng và tuân thủ, ngày càng đáp ứng nhu cầu hội nhập trong khu vực và quốc tế. Việc điều chỉnh, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng yêu cầu cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng phải kịp thời cập nhật nhằm đảm bảo, tuân thủ trong công tác thiết kế, thẩm tra, giám sát và thi công, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật cho công trình.
Chuyên gia về công trình xanh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Autif Mohammed Sayyed, cho biết, việc quan tâm đến tiêu chí công trình xanh tại Việt Nam đã được thực hiện trước một số nước ở khu vực như Indonesia, Philippines… Hiện nay, ngày càng có nhiều quy định nhà nước về công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả trên thế giới, vì đây là cách hiệu quả để kiểm soát mực sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và quy chuẩn được mỗi quốc gia áp dụng theo cách khác nhau như: cưỡng chế, thưởng phạt, có những công cụ đảm bảo để tuân thủ… Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, không thể đưa ra một quy chuẩn, tiêu chuẩn để cứ theo đó áp dụng mà cần có lộ trình để thay đổi quy chuẩn khoảng 3 năm/lần để phù hợp với thực tiễn.
Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (WB), từ 1971 đến 2010, hiện mỗi năm mức tiêu thụ năng lượng của các công trình tăng gấp đôi, dự tính đến năm 2035 sẽ tăng 30% so với năm 2010. Ông Lê Hòa Bình cho rằng, mặc dù Việt Nam là một quốc gia trên thế giới có nhiều nguồn năng lượng quan trọng, chất lượng cao và mang tính cạnh tranh về chi phí tại chỗ, song các nguồn năng lượng này đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quá trình công nghiệp hóa đất nước. Chính vì thế, việc tiết kiệm năng lượng cần phải được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ quy mô công nghiệp đến hộ gia đình, từ các công trình lớn như chung cư, bệnh viện, trường học, khách sạn, văn phòng… cho tới khu dân cư. Tuy vậy, ông Bình cũng nhìn nhận thực tế là công tác quản lý sử dụng năng lượng trong DN xây dựng chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho biết, sau 4 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm hành chính theo NĐ 134/2013 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả). Sau từng ấy thời gian chỉ dừng lại ở việc khuyến khích thực hiện mà chưa xử lý thì chẳng khác nào “hô khẩu hiệu”. Để định hướng phát triển công trình xanh ở Việt Nam, ông Thịnh cho rằng cần có những ưu đãi, hỗ trợ áp dụng cho công trình sử dụng năng lượng hiệu quả vì hiện nay, các chính sách về bảo vệ môi trường tại Việt Nam chỉ tập trung vào việc hỗ trợ đất đai khi xây dựng công trình bảo vệ môi trường, miễn giảm thuế đối với các hoạt động bảo vệ môi trường; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường; cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án, công trình bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, liên ngành… Đây chính là một trong những rào cản hạn chế sự phát triển các công trình xanh tại Việt Nam.
Theo ông Thịnh, cần có nghị định, thông tư hướng dẫn, cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Và quan trọng nhất là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về các nội dung liên quan đến sử dụng tiết kiệm năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và NĐ 134/2013 của Chính phủ.
NHUNG NGUYỄN