Ưu tiên an ninh nguồn cung dầu mỏ

Ấn Độ đang xem xét các cơ hội khai thác dầu ở nước ngoài và quyết định đầu tư 1,6 tỷ USD vào một dự án dầu ở Brazil. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P có trụ sở tại Mỹ dẫn ý kiến các chuyên gia trong ngành cho biết, Ấn Độ rất muốn khám phá những cơ hội như vậy ở các nước Mỹ Latinh khác.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua đề xuất đầu tư 1,6 tỷ USD để phát triển một lô dầu mỏ ở Brazil. Khoản đầu tư được thông qua Bharat PetroResources Ltd. hoặc BPRL, công ty nắm giữ 40% cổ phần trong dự án BM-SEAL-11, trong khi phần còn lại được Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) nắm giữ.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu thô lớn thứ 3 thế giới, hiện nhập khẩu 65% nhu cầu dầu thô từ Trung Đông. Nước này đã tăng cường mua dầu mỏ giá rẻ của Nga trong những tháng gần đây bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Cùng lúc này, Cơ quan quốc gia về Dầu mỏ, Khí tự nhiên và Khí đốt sinh học Brazil  cho biết, sản lượng dầu mỏ của Brazil hiện đạt hơn 3 triệu thùng/ngày. Thành tích trên nhờ hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt tại các giếng ngoài khơi ở khu vực tiền muối (mỏ dầu nằm sâu bên dưới tầng muối dày) trong vùng biển thuộc Đại Tây Dương. Petrobras vẫn là doanh nghiệp dầu khí lớn nhất của Brazil, đóng góp tới 94,2% tổng sản lượng khai thác của nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh này.

Petrobras cho biết, sẽ đầu tư khoảng 16 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để lắp đặt 3 giàn khoan mới và kết nối hơn 100 giàn khoan dầu trong lưu vực Campos - một trong những bể trầm tích ven biển quan trọng của Brazil, trải dài cả trên đất liền và ngoài khơi biển Đại Tây Dương gần Rio de Janeiro. 

Ông Lim Jit Yang (cố vấn thị trường dầu mỏ châu Á - Thái Bình Dương) tại S&P Global Platts Analytics, cho biết, bên cạnh việc mở rộng dự trữ dầu chiến lược và đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu thô, chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực đưa dầu từ các tài sản cổ phần ở nước ngoài trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Theo ông Yang, an ninh nguồn cung đang trở nên quan trọng hơn khi công suất dự phòng toàn cầu ở mức rất thấp.

Tin cùng chuyên mục