Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Băn khoăn việc hợp pháp hóa cá cược, casino

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến 2 dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; hoạt động kinh doanh casino. Lĩnh vực vốn nhạy cảm bậc nhất hiện nay đã gây không ít băn khoăn của các thành viên UBTVQH.

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến 2 dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; hoạt động kinh doanh casino. Lĩnh vực vốn nhạy cảm bậc nhất hiện nay đã gây không ít băn khoăn của các thành viên UBTVQH.

        Mức đặt cược chưa hợp lý?

Dù đa số ý kiến đồng tình với việc cần phải ban hành nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế nhưng không ít ủy viên UBTVQH đều hết sức băn khoăn về việc hợp pháp hóa hoạt động vốn rất nhạy cảm trong xã hội hiện nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, báo cáo đánh giá tác động của việc ban hành nghị định “toàn tích cực e rằng xã hội không nghĩ vậy”. Theo bà Mai, dự thảo đưa ra mức đặt cược tối thiểu cho một lần đặt cược là 10.000 đồng và mức đặt cược tối đa mỗi người chơi trong một ngày cho từng sản phẩm được phép đặt cược là 1.000.000 đồng sẽ khiến người có nhu cầu cá cược trên 1.000.000 đồng sẽ tìm cách chơi bất hợp pháp.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc KSor Phước, cũng cho rằng cần phải có những báo cáo đánh giá tác động, mức ảnh hưởng của việc ban hành quy định này như: rửa tiền, tác động với các quan hệ xã hội...

Cũng băn khoăn về tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, quy định mỗi lần đặt cược tối thiểu 10.000 đồng và 1.000.000 đồng/ngày trong tình hình hiện nay là mức quá thấp, “không ai người ta chơi”. “Mức 10.000 đồng chỉ như mua mớ rau muống nói gì đặt cược, 1.000.000 đồng người ta cũng chả chơi”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa cho rằng, mức 10.000 đồng thì ai cũng có thể tham gia được. Nếu đưa mức thấp nhất 1.000.000 đồng thì người nghèo không tham gia được. Do vậy cần nâng mức trần cho người có điều kiện tham gia.

        Cần xác định rõ số lượng, địa điểm mở casino

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nghị định hoạt động kinh doanh casino, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh casino. Hoạt động kinh doanh casino dành cho người nước ngoài trong thời gian vừa qua đã góp phần thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách cho các địa phương nơi có doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

Trong năm 2012, doanh thu của 5 casino đang hoạt động khoảng 930 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 254 tỷ đồng và giải quyết được từ 200 - 500 lao động trực tiếp tại mỗi điểm kinh doanh casino.

Ngay bản thân cơ quan thẩm tra dự thảo nghị định là Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thể hiện không ít băn khoăn khi cho rằng đa số ý kiến của thường trực cơ quan này tán thành với quy định trên và cho rằng, kinh doanh casino là hoạt động nhạy cảm, không khuyến khích phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, việc cho phép người Việt Nam tham gia casino có thể sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Tuy nhiên, ngay tại cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến khác, bởi hiện đang xảy ra tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài (Campuchia, Singapore...) để chơi bạc dẫn đến chảy máu ngoại tệ, gây ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Chính trị đã cho phép nghiên cứu thí điểm người Việt được phép tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino thành lập tại đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Vì vậy, nghị định cần thể hiện điều này, bởi thực tế rất nhiều người Việt Nam có điều kiện đem ngoại tệ ra nước ngoài chơi. Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nghị định cần phải làm rõ chỗ nào cho mở casino và cả nước cần có mấy casino.

        Làm rõ việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Sau khi được thảo luận ở tổ và nhận được 18 ý kiến phát biểu tại hội trường trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV-KDTV) vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-8.

Theo báo cáo trình bày tại phiên họp của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) Phan Xuân Dũng, hiện dự án luật còn 4 vấn đề lớn cần được tiếp tục làm rõ, bao gồm: hệ thống cơ quan chuyên ngành BV-KDTV; trách nhiệm quản lý nhà nước về BV-KDTV; kinh phí chống dịch; quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, nóng bỏng nhất là vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, hiện có tới 90% loại thuốc BVTV nhập ngoại, được các doanh nghiệp phân phối qua hệ thống đại lý đến người nông dân, vì vậy, cần phải làm rõ hơn nữa vai trò quản lý của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này. Chủ nhiệm UBKHCN-MT Phan Xuân Dũng cho rằng, vẫn cần có chế tài xử phạt người sử dụng nhưng cần làm rõ hành vi là do vô tình hay cố tình sai phạm bởi thực tế có không ít người vì ham lợi mà cố tình sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng quá nồng độ, hàm lượng cho phép, để tồn dư quá cao trên nông sản, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dự án Luật BV-KDTV là một dự án luật quan trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, vì vậy cần được tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý thận trọng để đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của bộ chuyên ngành và các bộ liên quan đồng thời phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương trong quản lý BV-KDTV, định lượng cụ thể về mức độ dịch bệnh làm tiêu chí công bố dịch.

HÀ MY - BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục