Tình trạng bất ổn tại các quốc gia Arab ở Bắc Phi trong thời gian qua không chỉ là cuộc khủng hoảng chính trị của riêng khu vực này mà còn có thể đẩy người láng giềng châu Âu đến bên bờ một cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Đầu tháng 2 vừa qua, sau khi nổ ra cuộc cách mạng hoa nhài tại Tunisia, khoảng 5.000 người dân nước này đã tìm cách chạy sang Italia và hiện đang bị tạm giữ trên đảo Lampedusa của Italia.
Mới đây, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã bày tỏ quan ngại rằng khoảng 300.000 người Libya cũng có thể tìm đường vượt biển sang Italia. Tính theo đường biển, thủ đô Tripoli của Libya chỉ cách Lampedusa khoảng 320km.
Làn sóng tỵ nạn mới từ Bắc Phi đang làm cho bờ vai Lục địa già vốn đã oằn bởi lực lượng người di cư hàng năm nay thêm phần trĩu nặng. Riêng tại Đức, từ năm 1971-2000, số người nhập cư vào nước này tăng hơn 2 lần (từ 3 triệu lên 7,5 triệu), chỉ riêng trong năm 2009, số người nhập cư lên đến 720.000. Còn tại Tây Ban Nha, sau khi hợp pháp hóa 750.000 người nhập cư bất hợp pháp năm 2007, xứ sở bò tót trở thành “điểm đến yêu thích” của những người nhập cư.
Hỗn loạn tại thế giới Arab khiến người dân của các nước này càng coi việc di cư sang nước khác là một giải pháp của họ. Nhưng giải pháp của họ lại là khó khăn của châu Âu. Trong những tuần gần đây, hết Thủ tướng Đức đến Thủ tướng Anh rồi Tổng thống Pháp đều lên tiếng cho rằng mô hình đa văn hóa tại các quốc gia này đã sụp đổ.
Theo giới phân tích, đây chính là sự thừa nhận thất bại về chính sách nhập cư của chính phủ các nước trên. Những người nhập cư vào châu Âu chủ yếu đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Đa số họ không được trang bị các kỹ năng cần thiết để thành công trong một quốc gia có nền kinh tế phát triển. Họ thường chỉ có được những công việc của lực lượng lao động có trình độ thấp. Nhiều người thậm chí còn biến thành tội phạm hoặc cực đoan về chính trị, góp phần gây náo loạn đời sống xã hội tại các quốc gia châu Âu.
Nhưng lục địa già hiện tại đâu chỉ có một nỗi lo về người nhập cư. Chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang phải vật lộn với bài toán về kinh tế. Theo cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) trong tháng 1-2011 ở mức 2,4%, cao hơn 0,4% so với dự đoán của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra.
Tại Anh, tỷ lệ lạm phát cũng đã tăng cao nhất trong 2 năm qua. CPI của Anh tăng lên 4% trong tháng đầu năm 2011. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lạm phát cũng đạt mức 3%, cao kỷ lục trong 2 năm qua. Bulgaria và Hungary cũng thông báo mức lạm phát tăng hơn 4% trong tháng 1-2011…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu không hạ thấp được tỷ lệ lạm phát hiện nay, các quốc gia tại châu Âu sẽ tiếp tục phải đối mặt với thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí sẽ có quốc gia tăng trưởng âm.
Người thất nghiệp ra nước ngoài tìm việc cùng với người chạy loạn khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị ở các khu vực này đang đe dọa châu Âu nơi các chính phủ bị chỉ trích là can thiệp làm tình hình Bắc Phi thêm rối ren. Đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn nội tại, giờ đây châu Âu lại phải gồng mình chống chọi với thách thức từ bên ngoài. Khó khăn chồng chất khó khăn. Liệu châu Âu già nua có vượt qua được những thách thức đang đợi chờ ở phía trước?
ĐỖ VĂN