(SGGP).- Ngày 8-10, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có thông tin bước đầu về kết quả nghiên cứu và thử nghiệm vaccine ngừa SXH.
Theo đó, sau hơn 5 năm thí điểm tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả vaccine SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả của vaccine SXH thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca nặng. Do đó, kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu 5 năm sau khi tiêm vaccine để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng nhằm đảm bảo đánh giá được một vaccine thực sự hiệu quả và an toàn cao. Đáng chú ý, các phản ứng sau tiêm chủng của vaccine SXH là tương đương hoặc thấp hơn so với các vaccine đang lưu hành và kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine này không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào.
Những số liệu trên là kết quả của dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine ngừa SXH (CYD14) đã được triển khai tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang) do Tập đoàn Sanofi-Pasteur phối hợp Viện Pasteur TPHCM thực hiện. Việt Nam là một trong 5 quốc gia tại khu vực châu Á tham gia trong giai đoạn 3 của tiến trình thử nghiệm với 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi tình nguyện tham gia nghiên cứu. Theo nguyên tắc, vaccine phải qua các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật trước khi đem thử nghiệm trên người. Nghiên cứu trên người gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tính an toàn); giai đoạn 2 (tính sinh miễn dịch và tính an toàn) và giai đoạn 3 (hiệu quả phòng bệnh). Nếu nghiên cứu giai đoạn 3 thành công, nhà sản xuất có thể đệ trình hồ sơ cho các nhà chức trách về đăng ký đánh giá cấp phép cho lưu hành trên thị trường.
Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, dịch SXH trên địa bàn Hà Nội đang là đỉnh dịch. Tích lũy từ đầu năm 2015 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc SXH tại tất cả các quận, huyện, trong đó có 7 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Thống kê cho thấy, các ca mắc SXH tại Hà Nội chủ yếu là tuýp D1 và D2. Để kiềm chế số ca mắc gia tăng trong tháng 10, phấn đấu giảm hẳn trong tháng 11, thành phố Hà Nội đang phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài kinh phí của hoạt động phòng chống dịch hàng năm, năm 2015 TP Hà Nội đã dành thêm 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch SXH, trong 3 tháng cuối năm, TP tiếp tục chi thêm 14 tỷ đồng để quyết tâm khống chế dịch.
NGUYỄN QUỐC