Hàng loạt công ty kinh doanh đa cấp, với những chiêu trò cực kỳ độc lôi kéo hàng vạn người tham gia và lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng, đã bị triệt phá. Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, đó chỉ là những công ty “dỏm”, không nằm trong hệ thống “chính quy”.
Gần đây, dư luận xôn xao về việc một số công ty lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp (BHĐC) để kiếm lợi bất chính, lừa gạt nhiều người dân. Điển hình là vụ Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), do Lê Xuân Giang sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT, đã lừa đảo hàng chục ngàn người, chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng. Có thể dễ dàng nhận thấy BHĐC từ trước tới nay đều bị gắn với nhiều điều tiếng, dù trong vòng vây của BHĐC trá hình vẫn có những mô hình BHĐC chân chính.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch MLMA, chủ trì một hội nghị phổ biến pháp luật bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp hội viên.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA), cho biết, MLMA được Bộ Nội vụ cho phép thành lập với vai trò là cơ quan xã hội nghề nghiệp mà đối tượng hội viên chính thức và liên kết phải là các doanh nghiệp BHĐC. Hoạt động của hiệp hội dựa trên Điều lệ, Quy chế hội viên và Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp BHĐC. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì căn cứ theo quy chế mà xử lý theo mức độ. Hiện nay, MLMA có 24 hội viên- trước đây có 1 trường hợp là Công ty Liên kết Việt nhưng đã bị xóa tên, khai trừ khỏi hiệp hội vào cuối tháng 12-2015 do vi phạm quy chế và điều lệ hiệp hội.
Về việc phân biệt BHĐC chân chính và BHĐC lừa đảo, bà Trương Thị Nhi cho rằng, BHĐC chân chính là mô hình bán hàng dựa trên hoạt động tiếp thị bán lẻ của cá nhân người tham gia và mạng lưới do cá nhân đó xây dựng. Cá nhân đó sẽ có thu nhập từ hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ hoạt động bán hàng của mình và của đội nhóm của mạng lưới do mình xây dựng, bảo trợ. Đây là 1 phương thức tiến bộ đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới vì việc bán hàng sẽ được đẩy nhanh, hàng hóa không bị làm giả vì biết rõ nguồn gốc, người bán hàng có kiến thức về sản phẩm để tư vấn… Bản chất của BHĐC là vậy nhưng trên thực tế xuất hiện nhiều biến tướng, lợi dụng để hoạt động bất chính lừa đảo. Cụ thể như Công ty Liên kết Việt, là điển hình của phương thức không quan tâm đến hàng hóa, không trao đổi, tiếp thị để bán hàng mà huy động tài chính kêu gọi đầu tư nhiều mã sản phẩm để được hưởng lãi suất cao mà không cần lao động.
Về mặt pháp lý, các công ty này không được phép vì không có chức năng huy động vốn và trả lãi như ngân hàng vì đây là loại hình dịch vụ bị cấm không cho kinh doanh đa cấp. Bên cạnh lỗi thuộc về công ty và do người tham gia kém hiểu biết, cũng còn một số đông cá nhân người BHĐC biết rõ mô hình bất chính, lừa đảo nhưng vì hám lợi nên đi dụ dỗ người khác để kiếm hoa hồng rồi mặc kệ hậu quả cho doanh nghiệp tự xử lý. Những đối tượng này cũng cần bị xử lý nghiêm.
Từ một số vụ công ty kinh doanh đa cấp bất chính hoặc núp bóng bị khởi tố, những người sẵn có định kiến với BHĐC sẽ càng né tránh. Còn với những người chưa hề biết đến mô hình BHĐC sẽ rất hoang mang. “Do vậy, MLMA rất mong các cơ quan báo chí phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để người dân tự tin chủ động nắm rõ vấn đề này, phân biệt tốt, xấu của mô hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam”- bà Trương Thị Nhi đề nghị.
Theo bà, sở dĩ các vụ BHĐC lừa đảo một số lượng người dân chỉ bị phát hiện sau một thời gian dài hoạt động, mà không thể ngăn chặn ngay từ đầu là do các đối tượng cầm đầu lấy tiền người trước trả người sau. Những người nhận được tiền tin tưởng nên tiếp tục lôi kéo người khác, gây nên thiệt hại rất lớn. Khi những người vào sau không nhận được tiền và những người vào trước không nhận đủ tiền, họ bắt đầu phản ứng dẫn đến vỡ hệ thống- khi đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Vì thế, theo Cục Quản lý cạnh tranh, các dấu hiệu sau đây xác định hoạt động BHĐC bất chính:
+ Yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp BHĐC. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật quy định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán, cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.
+ Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia BHĐC, lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia. Không quan tâm tới hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng như mong muốn và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.
+ Buộc và hối thúc người khác tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng, gây rối người tiêu dùng.
LAN HỒ
>> Hàng đa cấp bủa vây sinh viên - “Khai sáng” con đường làm giàu