VAFI tiếp tục chất vấn về việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương

(SGGP).- Ngày 15-6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục có các phản hồi về vấn đề bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương. Đây là lần thứ 4, tổ chức này kiến nghị và phản biện về việc bổ nhiệm cán bộ và vấn đề thoái vốn nhà nước tại hai Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).

Trước việc thông tin ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng giám đốc SABECO (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính dầu khí - PVFI) cho rằng khi ông Hải nắm PVFI đã giúp PVFI bớt lỗ, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng, việc này không hợp lý. Bởi lẽ, VAFI đánh giá ông Vũ Quang Hải gây lỗ tại PVFI hơn 220 tỷ đồng là căn cứ vào báo cáo tóm tắt đăng trên trang web của PVFI. Việc ông Vũ Quang Hải nói rằng PVFI đã xảy ra lỗ lớn từ trước thời điểm ông về công tác tháng 1-2011, tức là tiến trình lỗ xảy ra từ các năm trước nhưng trên trang web của PVFI, phần giới thiệu lịch sử PVFI có diễn tả rằng PVFI đã kinh doanh có lãi khoảng 100 tỷ đồng trong 3 năm 2007, 2008, 2009.

“Vậy đâu là thông tin đúng, thông tin sai theo lời ông nói. Nếu ông nói đúng, sao không cho sửa chữa thông tin để tránh ngộ nhận cho người đầu tư. Những thông tin mà ông nói ra không có trên trang web và không có báo cáo kiểm chứng”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Liên quan đến nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, ông Vũ Huy Hoàng đã không trả lời các vấn đề mà VAFI nêu ra. Đó là 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa lại chậm được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), chẳng hạn như SABECO, HABECO, trong khi thời bộ trưởng trước đó việc này được thực hiện nhanh chóng. Vì sao Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ngăn cản việc niêm yết của SABECO, HABECO?... Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc ông Vũ Huy Hoàng không quan tâm đến chuyện niêm yết đã dẫn tới nhiều doanh nghiệp trực thuộc bộ cũng trốn tránh việc niêm yết. Từ đó dẫn tới tình trạng nhà đầu tư mất tin tưởng vào tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước cũng bị thất thu rất nhiều do rủi ro về việc trốn tránh niêm yết.

Cũng liên quan đến những vấn đề tiếp nhận, đề bạt và thuyên chuyển cán bộ tại Bộ Công thương được nêu lên gần đây, chiều 15-6, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Văn phòng Ban Cán sự phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ khẩn trương rà soát lại công tác cán bộ và quy trình nhân sự trong giai đoạn 2013-2015, bao gồm cả các trường hợp tiếp nhận người từ bên ngoài về và các trường hợp được điều động từ Bộ Công thương về nắm giữ các vị trí trong hội đồng quản trị, ban giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc bộ. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu báo cáo về công tác quy hoạch cán bộ trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới năm 2015. Các đơn vị liên quan đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai chỉ đạo của bộ trưởng. Dự kiến cuối tuần tới sẽ có báo cáo bước đầu với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục