Vụ thảm sát hơn 100 người tại làng Houla, miền Trung Syria, cuối tuần qua đã bị dư luận lên án mạnh mẽ. Hàng loạt quốc gia đã trục xuất đại diện ngoại giao của Syria để phản đối và gia tăng sức ép với chính quyền Damascus. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng động thái này chủ yếu mang tính tượng trưng, khi mà các nước thành viên HĐBA LHQ vẫn bất đồng về giải pháp.
Vũ khí “viện trợ” cho khủng bố
Chỉ trong ngày 29-5, ít nhất 98 người chết, hơn 60 người bị thương trong các cuộc giao tranh ở Syria. Tình hình bất ổn tại Syria vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Theo Japan Times, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 30-5 thừa nhận chính phủ nước này đã triệu hồi đại sứ ở Syria về nước càng sớm càng tốt, vì bạo lực không có điểm dừng tại Syria.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bob Carr đã dẫn đầu việc kêu gọi trục xuất đại diện ngoại giao Syria ở Australia, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Canada, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bulgaria.
Theo hãng tin UPI, Ngoại trưởng Anh William Hague xác nhận EU đã đơn phương xem xét những phương thức trừng phạt nặng nề hơn nhằm vào Syria. Từ vấn đề chính trị, các quốc gia phương Tây đã đẩy sang căng thẳng ngoại giao thể thao - văn hóa khi tuyên bố có thể hủy bỏ quyền tham dự Thế vận hội mùa hè lần thứ 30 diễn ra ở London vào tháng 7 tới của Syria.
Theo hãng tin SANA, tại cuộc gặp với ông Kofi Annan, đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ảrập về vấn đề Syria hôm 29-5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai kế hoạch 6 điểm đã được cam kết thực hiện trước đó.
Ông Assad tái khẳng định nguyên nhân khiến tình hình ở Syria ngày càng khó kiểm soát xuất phát từ mối đe dọa khủng bố tại quốc gia này. Ông Assad cũng yêu cầu các quốc gia đang hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí cho các băng nhóm khủng bố nên tuân theo kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan, chấm dứt chuyển vũ khí cho các phe phái, phần lớn là thành phần khủng bố.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói, dù phe nổi dậy của Syria có được vũ trang mạnh thế nào thì bất ổn ở Syria cũng không có hồi kết, tình hình ngày càng tồi tệ hơn.
Theo SANA, tại buổi làm việc, ông Kofi Annan ghi nhận sự hợp tác giữa chính quyền ông Assad với lực lượng quốc tế nhưng nhắc lại kế hoạch của ông vẫn chưa được thực hiện đúng vì chưa bên nào thực sự ngừng tấn công bạo lực. Đây là chuyến đi thứ hai tới Syria của ông Annan kể từ khi được bổ nhiệm vào vị trí đặc phái viên cho vấn đề của Syria.
Chưa phải lúc
Trả lời hãng thông tấn Nga Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng còn quá sớm để có thêm bất cứ hành động trừng phạt mới nào áp đặt lên Syria lúc này. Theo ông Gennady Gatilov, mọi sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài cũng sẽ khiến tình hình thêm phức tạp và cần thời gian để phương án của ông Kofi Annan phát huy tác dụng. Đây được xem là lời đáp trả sau đề nghị từ Bộ Ngoại giao Mỹ rằng đã đến lúc Nga dù muốn hay không phải tỏ rõ thái độ rõ ràng trong việc lên án những hành động bạo lực ở Syria.
Cách thức và thời điểm xử lý trong trường hợp Syria hiện vẫn chưa được thống nhất giữa Mỹ và các quốc gia phương Tây. Ngày 30-5, Australia cho biết sẵn sàng thảo luận kế hoạch can thiệp quân sự ở Syria sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande thúc giục các quốc gia châu Âu và tuyên bố không thể loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria nếu hành động này được Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng cho rằng can thiệp quân sự vào Syria trong thời điểm này không phải là hướng hành động đúng đắn, bởi vì sẽ dẫn đến hỗn loạn và tàn sát hơn nữa. Tuy nhiên, theo Washington Post, Nhà Trắng vẫn đang âm thầm soạn thảo một khuôn khổ pháp lý trong tình huống cần mở rộng can thiệp của Mỹ vào Syria.
Như Quỳnh (tổng hợp)