Vẫn cần giải pháp chính trị cho Syria

Ngày 26-2, cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp sửa đổi theo hướng cải cách mạnh hệ thống chính trị mà Nga và Trung Quốc ủng hộ sẽ diễn ra tại Syria. Trong khi đó, hội nghị của Mỹ và các nước Arập bàn về tình hình Syria ra tuyên bố mạnh mẽ song vẫn thiên về giải pháp chính trị và ngoại giao cho nước này.
Vẫn cần giải pháp chính trị cho Syria

Ngày 26-2, cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp sửa đổi theo hướng cải cách mạnh hệ thống chính trị mà Nga và Trung Quốc ủng hộ sẽ diễn ra tại Syria. Trong khi đó, hội nghị của Mỹ và các nước Arập bàn về tình hình Syria ra tuyên bố mạnh mẽ song vẫn thiên về giải pháp chính trị và ngoại giao cho nước này.

  • Trưng cầu dân ý

Hôm nay, 26-2, người dân Syria sẽ đi bỏ phiếu để thông qua bản hiến pháp sửa đổi của Syria. Đây là một trong các nỗ lực cải cách chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm chấm dứt 11 tháng nổi dậy của lực lượng đối lập. Mặc dù vậy, lực lượng đối lập vẫn tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Hiện chưa rõ cuộc trưng cầu sẽ diễn ra như thế nào tại những địa phương hiện đang có các cuộc xung đột giữa chính phủ và lực lượng đối lập.

Hơn 14 triệu người Syria trên 18 tuổi được quyền tham gia bỏ phiếu. Cử tri lựa chọn bản dự thảo hiến pháp này bằng cách đánh dấu vào ô “có” hay “không”. Bản dự thảo hiến pháp do một hội đồng gồm 29 thành viên do Tổng thống Assad đứng đầu soạn thảo. Hiến pháp hiện tại được áp dụng từ năm 1963 sau khi đảng Baath làm cuộc đảo chính. Hiến pháp sửa đổi sẽ thúc đẩy cải cách chính trị mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hiến pháp mới vẫn cho phép tổng thống có nhiều quyền lực trong đó có việc bổ nhiệm thủ tướng, chính phủ và trong một số trường hợp không phủ quyết luật. Điều 88 cho biết tổng thống có thể cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp nhưng chỉ áp dụng kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2014.

Lực lượng đối lập Syria giao chiến với quân chính phủ tại thành phố Homs, Syria (ảnh AFP chụp qua You Tube).

Lực lượng đối lập Syria giao chiến với quân chính phủ tại thành phố Homs, Syria (ảnh AFP chụp qua You Tube).

Lực lượng đối lập tại Syria cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là cách để chính phủ của Tổng thống Assad “che giấu tội ác” khi đã giết hơn 7.600 người biểu tình kể từ tháng 3-2011. Lực lượng đối lập cũng kêu gọi ông Assad từ chức ngay lập tức.

  • Sức ép tiếp tục gia tăng

Trong khi đó, sức ép từ phương Tây và Liên đoàn Arập (AL) tiếp tục gia tăng lên Tổng thống Syria Assad. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với các phóng viên rằng: “Chúng ta tiếp tục gia tăng sức ép và tìm mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng người dân vô tội Syria bị giết. Điều quan trọng là chúng ta không phải là những người ngoài cuộc”.

Kết thúc hội nghị “Những người bạn của Syria” tại Tunisia, phương Tây và các nước Arập ra tuyên bố chung: “Nhóm Những người bạn kêu gọi Chính phủ Syria lập tức chấm dứt bạo lực và cho phép LHQ cũng như các cơ quan hỗ trợ nhân đạo tự do tiếp cận để phân phát hàng cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực”. Hội nghị nhất trí thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình của AL để đảm bảo ổn định trong quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Syria.

Tuyên bố cũng cho biết sẽ gây sức ép với chính quyền Syria bằng cách siết chặt các lệnh trừng phạt hiện nay và áp dụng các trừng phạt mới, bao gồm cấm đi lại, phong tỏa tài khoản, ngừng mua dầu, hạ cấp quan hệ ngoại giao và cấm các tàu buôn vũ khí. Điều quan trọng là tuyên bố chung nói trên không công nhận “Hội đồng quốc gia Syria” (SNC - tổ chức đối lập ở Syria), thay vào đó, chỉ xem SNC là đại diện hợp pháp của người dân Syria tìm dân chủ trong hòa bình đồng thời kêu gọi SNC thống nhất các lực lượng đối lập.

Riêng vấn đề vũ trang cho các lực lượng đối lập không được đưa vào tuyên bố chung mặc dù được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ.

Tổng thống nước chủ nhà, ông Moncef Marzouki, cho biết hội nghị đã nhất trí tránh quân sự hóa cuộc xung đột tại Syria, thay vào đó hướng tới một giải pháp chính trị. Cũng theo ông Marzouki, nếu chấp nhận từ chức, Tổng thống Assad, gia đình và các thành viên chính phủ sẽ được miễn truy tố và được chọn một nơi tị nạn, Nga có thể là một lựa chọn.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã công bố viện trợ 10 triệu USD của Mỹ cho các nỗ lực nhân đạo tại Syria. Ngày 25-2, Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết đã tới thành phố Homs, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh giữa chính phủ và lực lượng đối lập để giúp sơ tán người già và trẻ em.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới nhanh chóng hành động để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ có giải pháp chính trị mới chấm dứt được khủng hoảng tại đây.

KHÁNH MINH

- Thông tin liên quan:

>> Phương Tây tăng sức ép lên Syria

>> Ông Kofi Annan làm đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria

Tin cùng chuyên mục