Ngày 10-12 tới, tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân”, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Trước thềm hội nghị quan trọng này, theo ban tổ chức, đến nay đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua nhiều kênh tiếp nhận. Các câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Tích tụ đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…
Còn nhớ, sau “Hội nghị Diên Hồng” về ĐBSCL vào tháng 9-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 6-2019, Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện, với nhiều chủ trương rất quyết liệt, nhưng đến nay, phần lớn các chính sách vẫn chưa triển khai trong thực tế.
Trước khi chương trình hành động tổng thể Nghị quyết 120 ban hành, một số địa phương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện trên tinh thần của Nghị quyết 120, tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh đó phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội. Đến nay, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sinh thái nuôi tôm nước lợ, phát triển giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phát triển giống cây ăn quả thích ứng với hạn hán phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 120 ở các bộ, ngành trung ương và một số địa phương vẫn còn chậm; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 120, còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, hoặc lúng túng trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng và tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng chưa thường xuyên. Trong đó, nổi lên là các nhóm cơ chế, chính sách sau: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Hoàn thiện chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới... Đó là chưa kể những vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” như hạ tầng giao thông yếu kém, đời sống nông dân trồng lúa, sạt lở, mặn xâm nhập, hạn hán…
Thúc đẩy ĐBSCL phát triển thịnh vượng, nâng cao đời sống người dân, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, để điều đó không phải mãi là niềm mong đợi!