Thị trường lao động TPHCM

Vẫn chưa hết khó khăn

Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm khó khăn đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động TPHCM: nhu cầu tuyển dụng giảm, số người thất nghiệp tăng. Thị trường lao động 6 tháng cuối năm liệu có khả quan? Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã trao đổi với PV Báo SGGP.

Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm khó khăn đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động TPHCM: nhu cầu tuyển dụng giảm, số người thất nghiệp tăng. Thị trường lao động 6 tháng cuối năm liệu có khả quan? Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã trao đổi với PV Báo SGGP.

- PV: Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao nhu cầu tuyển dụng lao động giảm?

Ông TRẦN ANH TUẤN: Về tổng quan thị trường lao động TPHCM 6 tháng đầu năm 2012 giảm có thể lý giải do nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công sản xuất, chế biến. Chính vì vậy, thị trường lao động TPHCM chưa thực sự ổn định, lại phát sinh nhiều nghịch lý, mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Các doanh nghiệp có xu hướng tinh giản bộ máy, nhân sự.

Nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ số lượng lao động cần. Số người đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng, thể hiện rõ sự chênh lệch của thị trường lao động về số lượng và chất lượng cung - cầu. Điểm rõ nét của thị trường lao động TP thời gian qua là sự chênh lệch giữa trình độ nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm. Đáng chú ý một số nhóm ngành nghề như kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, marketing, điện, cơ khí, công nghệ thông tin… sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm khá nhiều, nhưng do các doanh nghiệp yêu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao, kinh nghiệm, kỹ năng… nên nhiều sinh viên chưa đáp ứng được. Đối với các nhóm ngành khoa học - xã hội còn nhiều sinh viên vẫn khó tìm việc làm hoặc làm trái ngành, chủ yếu do nguồn tuyển dụng ít, thu nhập thấp.

Thời điểm hiện nay thị trường lao động TP tuy có dấu hiệu giảm cầu so với cung, nhưng lao động có tay nghề vẫn thiếu.

- Vậy thị trường lao động TPHCM trong 6 tháng cuối năm có cải thiện?

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, kinh tế TPHCM trong 6 tháng cuối năm 2012 chưa hết khó khăn. Từ thực tế trên, có thể nhận định thị trường lao động từ nay đến cuối năm cần 135.000 chỗ làm, bao gồm nhu cầu lao động thay thế và tuyển mới, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu chế xuất - công nghiệp khoảng 30.000 lao động. Về cơ cấu nguồn nhân lực, lao động phổ thông chiếm khoảng 40%; trình độ đại học, cao đẳng: 25%; lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp: 35%. Riêng quý 3-2012, TPHCM cần 65.000 chỗ làm: tháng 7 và 8 mỗi tháng cần 20.000, tháng 9 cần 25.000. Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển nhiều nhân lực như kế toán, hành chính văn phòng, tin học, quản trị kinh doanh...

Trong những tháng cuối năm 2012, nguồn cung lao động trên địa bàn cũng sẽ tăng mạnh do sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường. Dự báo tỷ lệ lao động mất việc làm có thể sẽ tăng so với 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp sắp xếp lại lao động hoặc một số phải giải thể.

Hồ Thu thực hiện

Tin cùng chuyên mục