Nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (ảnh) vừa được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn của thủ đô. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng tân chủ tịch về một số vấn đề của văn học.
- PV: Hội Nhà văn Hà Nội có đến 50% là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và trong khoảng chục năm gần đây hội được tiếng là nghiêm túc, công bằng trong vấn đề kết nạp hội viên và xét chọn giải thưởng văn học hàng năm. Tân chủ tịch hội có tiếp tục duy trì uy tín đã có của hội?
- Nhà văn PHẠM XUÂN NGUYÊN: Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) khóa XI (2010 - 2015) sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đã được mở ra từ khóa X, nhằm xây dựng một hội văn học Hà Nội mạnh về mọi mặt, đạt tới được sự sang trọng và tầm vóc của một hội nghề nghiệp ở thủ đô. Trong đó hai công việc lớn là giải thưởng và kết nạp hội viên hàng năm sẽ được làm kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, kiên trì phương châm kết hợp phong trào với đỉnh cao. HNVHN đã tạo được uy tín từ giải thưởng hàng năm của mình và tôi tin trong những năm tới giải thưởng này ngày càng có tiếng vang hơn nữa. Văn chương từ xưa đến nay, ở bất cứ quốc gia nào cũng đều nhằm vươn tới đỉnh cao, chiếm lĩnh đỉnh cao.
- Là nơi hội tụ nhiều tài năng văn chương của cả nước, theo ông, HNVHN sẽ có những chương trình gì để kích thích và thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm có những tác phẩm lớn?
- HNVHN tập hợp các nhà văn ở thủ đô với nhiều tên tuổi nổi tiếng nên chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế này để có những sinh hoạt văn học thường kỳ như giao lưu, trao đổi khi có những tác phẩm mới ra đời, tổ chức các hội thảo cần thiết để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, chú ý bồi dưỡng lực lượng viết trẻ. Một đầu việc chính là chúng tôi sẽ cố gắng ra được một trang mạng văn chương Hà Nội làm diễn đàn cho các nhà văn hội viên. Chúng tôi cũng muốn sẽ có những cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa HNVHN với các hội địa phương khác. Điều quan trọng nữa là chúng tôi sẽ có kế hoạch kiến nghị với lãnh đạo thành phố để tạo thêm điều kiện cho anh chị em hội viên hoạt động sáng tạo.
- Ban chấp hành (BCH) mới hầu hết là các nhà thơ: Bằng Việt, Dương Kiều Minh, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Việt Mỹ; chỉ duy nhất ông là nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình; như vậy liệu văn xuôi có bị xem nhẹ trong hoạt động của hội trong những năm tới?
- Tôi nghĩ BCH không cứ phải có đủ người của các bộ môn, tất nhiên nếu bầu được đủ thì vẫn hay hơn, nhưng một khi đại hội đã quyết định con số và thành phần BCH chỉ có 6 người như vậy thì cũng có nghĩa là các hội viên đã tin tưởng vào chúng tôi. BCH chỉ có nhà thơ và nhà phê bình không có nghĩa là chúng tôi không đọc được văn hay sẽ xem nhẹ văn. Mỗi ủy viên ban chấp hành sẽ phát huy cao nhất khả năng chuyên môn của mình cũng như tinh thần công bằng, nghiêm túc khi làm việc chung của hội. Giúp việc cho BCH còn có các hội đồng chuyên môn văn, thơ, phê bình, dịch thuật, đây là bộ phận rất quan trọng bảo đảm cho việc đánh giá văn học của hội được chính xác.
- Theo ông, mô hình hoạt động nằm trong Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội hay mô hình Liên hiệp hội của TPHCM thích hợp cho sự phát triển của văn học thủ đô?
- Từ lâu tôi đã đề nghị nên chuyển mô hình tổ chức của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thành liên hiệp hội. Các hội chuyên ngành trở thành hội độc lập, tự chủ sẽ phát huy được nhiều khả năng, thế mạnh của mình, hội có thể ra báo. Thực tế của TPHCM đã cho thấy các hội chuyên ngành trong liên hiệp hội đã hoạt động có kết quả tốt. Tại đại hội sắp tới của Hội liên hiệp VHNT Hà Nội tôi sẽ tiếp tục nêu ý kiến về việc chuyển đổi này. Tôi nghĩ thành phố Hà Nội nên ủng hộ việc đó và xúc tiến cho việc chuyển đổi nhanh chóng được thực hiện.
- Cảm ơn ông.
CAO MINH thực hiện