Vẫn còn chỗ để cầm cố và repo cổ phiếu

Vẫn còn chỗ để cầm cố và repo cổ phiếu

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay siết chặt dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán đã khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tiếc nuối, vì không được hưởng nguồn lợi từ dịch vụ cho vay cầm cố cổ phiếu.

Các ngân hàng đều cho rằng đã tạm ngưng cho nhà đầu tư vay tiền tái kinh doanh cổ phiếu bằng tài sản đảm bảo là chứng khoán, vì dư nợ của loại hình tín dụng này đã vượt cột mốc 3% theo quy định của NHNN đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế các hợp đồng vay vốn kinh doanh chứng khoán dưới hình thức cầm cố và “repo” (mua bán chứng khoán có kỳ hạn) vẫn được thực hiện ở nhiều ngân hàng cổ phần (NHCP), công ty chứng khoán (CTCK).

Vẫn còn chỗ để cầm cố và repo cổ phiếu ảnh 1

Nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán ACB. Ảnh: VIỆT DŨNG

Không chỉ NHCP mà một số ngân hàng quốc doanh như Agribank, BIDV, Vietcombank… cũng đang từng bước đẩy mạnh dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank chi nhánh TPHCM đã liên kết với CTCK Agriseco và CTCK Âu Việt để triển khai dịch vụ vay cầm cố chứng khoán và “repo” cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Được biết, từ giữa năm 2006 đến khi Chỉ thị 03 ban hành Agribank TPHCM chưa cho vay nhiều, nên dư nợ cho vay cầm cố còn lớn. Do vậy, Agribank TPHCM đã đề nghị với Tổng Giám đốc Agribank cho thực hiện cho vay cầm cố chứng khoán, với mức dư nợ đảm bảo dưới 3%.

Sau khi kết hợp với Quyết định 27/2007/QĐ - BTC của Bộ Tài chính về việc khách hàng CTCK mở tài khoản tại các ngân hàng do CTCK lựa chọn, Agribank TPHCM đã tái triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Trong quy định cho vay đối với loại hình tín dụng cầm cố chứng khoán, Agribank chỉ được cho vay tối đa 50% thị giá cổ phiếu giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn. Trường hợp, trong quá trình vay vốn, giá cổ phiếu giảm từ 25% trở lên so với giá giao dịch tại thời điểm vay, ngân hàng bán chứng khoán đã cầm cố để thu hồi nợ, hoặc khách hàng phải nộp tiền vào.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đang cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán, nhưng có sự chọn lọc về danh mục để hạn chế rủi ro. Lãi suất đối với cho vay cầm cố chứng khoán tại BIDV TPHCM là 1%/tháng.  Vietcombank cũng đang xây dựng kế hoạch để chuẩn bị triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán, hiện dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của VCB vẫn hoàn toàn bằng không... Tuy nhiên, nhìn chung các hợp đồng được ký cho vay chủ yếu thực hiện đối với kỳ hạn ngắn ngày bình quân khoảng 2 – 6 tháng.

Giá trị khoản vay ngân hàng rót cho nhà đầu tư tối đa lên đến 50% thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chính thức và thị trường tự do OTC. Tuy nhiên, so với cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường OTC, hiện nhiều ngân hàng vẫn thích chọn cổ phiếu niêm yết để cho vay cầm cố và repo cổ phiếu. Vì cổ phiếu niêm yết có tính thanh khoản cao hơn cổ phiếu đang giao dịch trên sàn OTC. Mặt khác, giá chứng khoán trên sàn OTC diễn biến phức tạp chứa đựng nhiều rủi ro, vì nhà đầu tư e ngại thiếu tính minh bạch.

Bên cạnh cho vay cầm cố ở các ngân hàng, hiện nhiều CTCK cũng đang triển khai rộng dịch vụ “repo” cổ phiếu. Ông Phạm Linh – Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cho biết, VIS vẫn cho nhà đầu tư thực hiện “repo”. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu được định giá thấp hơn so với trước. Thực tế giá trị cho vay bình quân bằng một phần ba thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.

Trường hợp cổ phiếu có tiềm năng, VIS sẽ cho repo tối đa 50% thị giá, lãi suất dao động trong khoảng 1% - 1.15%/tháng. CTCK SBS cũng cho hay hiện tại vẫn triển khai nghiệp vụ “repo” cho nhà đầu tư mở tài khoản tại sàn. Các quy định vay của SBS cũng tương đương như một vài CTCK khác. Tuy nhiên, mức lãi suất SBS áp dụng cho nhà đầu tư có phần cao hơn, bình quân khoảng 1,1% - 1,2%/tháng.

Song song với việc điều tiết bằng cách không tái cho vay đối với các hợp đồng dài hạn đã đến thời kỳ đáo hạn, một số ngân hàng khác vẫn tiếp tục đẩy vốn cho nhà đầu tư thông qua hình thức cầm cố chứng khoán theo hợp đồng ngắn hạn. Đơn cử như Ngân hàng SeABank vừa kết hợp với CTCK trực thuộc cho nhà đầu tư vay cầm cố, đồng thời thực hiện nghiệp vụ repo cổ phiếu.

TTCK đang ấm dần trở lại, nhu cầu vay cầm cố tiếp tục nóng. Theo đánh giá của các nhà phân tích thị trường, chứng khoán tăng đến đâu nhu cầu vay cầm cố và “repo” cổ phiếu tăng đến đó. Giám đốc điều hành VinaSecurities ông Fiachra Mac Cana đưa ra nhận xét, sự chuyển động của thị trường trong những ngày qua đang gây sự chú ý quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với chứng khoán Việt Nam là tình hình lạm phát gia tăng.

Để kiểm soát được lạm phát, chắc chắn NHNN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu hơn trong việc siết chặt đối với các ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ cho vay. Quy định về dư nợ cho vay cầm cố dưới mức 3% hiện vẫn chưa nằm trong tầm ngắm kiểm soát chặt chẻ của Ngân hàng Trung ương. Ngoài ra, trên thực tế vẫn có nhiều CTCK môi giới và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ repo và vay cầm cố cho khách hàng vay tiền tái kinh doanh chứng khoán thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Tin cùng chuyên mục