
Một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là tình hình kinh tế chính trị của nước chủ nhà. Hiển nhiên là một nền kinh tế có tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định sẽ được sự chú ý nhiều hơn bởi các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các quỹ đầu tư tập trung vào những công ty có tốc độ phát triển cao.

Các nhà đầu tư theo dõi giá niêm yết tại Công ty SSI.
Ảnh: Hải Thanh
Các chuyên gia quản lý quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam đã nói như vậy và cho biết thêm các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về chính sách quản lý của Nhà nước, hệ thống luật pháp và tính ổn định của nó bao gồm chính sách về thuế, luật điều chỉnh đầu tư gián tiếp nước ngoài, luật về thị trường chứng khoán (TTCK)…
Họ rất e ngại khi đầu tư vào những nước có hệ thống luật pháp còn yếu với nền tài chính không minh bạch và đồng bộ. Việt Nam vẫn còn thiếu luật điều tiết dòng vốn FII, trong khi Luật Đầu tư nước ngoài chỉ chủ yếu điều tiết các dòng vốn trực tiếp (FDI), do vậy, nhà nước nên sớm ban hành khuôn khổ pháp lý phù hợp để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, những quy định về hệ thống tài chính kế toán còn gây khó khăn trong việc phân tích đánh giá các chỉ số tài chính và còn nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tính minh bạch trong hoạt động tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuẩn bị cổ phần hóa (CPH).
Ngoại trừ các công ty niêm yết (CTNY) trên sàn, hiện nay vẫn chưa có quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải cung cấp các báo cáo tài chính đầy đủ (như bảng cân đối tài sản, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và các thuyết minh báo cáo ra công chúng) trong khi đây là những tài liệu quan trọng để các nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ đánh giá đầu tư, dự báo kết quả đạt được trong tương lai.
Chính sách quản lý ngoại hối cũng là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tỷ giá hối đoái không thể giữ quá lâu và quá thấp so với giá trị thực tế để tránh gây tổn thương nền kinh tế cũng như cho các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài là vấn đề Chính phủ cần xem xét.
Mặc dù gần đây TTCK Việt Nam phát triển khá nóng nhưng quy mô vẫn còn quá nhỏ. Tổng mệnh giá của các cổ phiếu niêm yết hiện chỉ đạt 22.660 tỷ đồng, tương đương 1,41 tỷ USD.
Theo kế hoạch phát triển TTCK của Việt Nam dự kiến đến năm 2010, tổng giá trị niêm yết đạt 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 70 lần so với quy mô hiện tại.
Như vậy trong 5 năm tới Việt Nam cần phải đưa lên sàn số lượng CTNY có tổng vốn trên 137.000 tỷ đồng. Với bình quân một CTNY có vốn cổ phần 50 tỷ đồng thì Việt Nam cần phải lên sàn thêm khoảng 2.746 CTNY nữa. Nếu tốc độ niêm yết chậm chạp thì phải mất thời gian rất lâu mới đạt mục tiêu đó.
Để có hàng hóa niêm yết trên sàn, phải đẩy nhanh tốc độ CPH các DNNN. Đến nay mặc dù đã CPH được trên dưới 3.000 doanh nghiệp nhưng đó chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tốc độ CPH những doanh nghiệp lớn vẫn còn rất chậm.
Ngoài ra, Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ lớn ở các doanh nghiệp cổ phần không thuộc những ngành nhạy cảm, chỉ mới từ bỏ quyền nắm cổ phần chi phối ở những công ty có quy mô nhỏ và lợi nhuận thấp.
Các DNNN CPH, nhất là những công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, vẫn còn hoạt động ỳ ạch và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân do vấn đề về môi trường kinh doanh nên rất ngại minh bạch hóa các báo cáo tài chính. Đó là những cản ngại rất lớn trong việc thu hút dòng vốn FII.
Khác với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Nguồn vốn này đã tăng mạnh trong hai năm gần đây nhưng thực sự vẫn còn nhỏ và ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Chính phủ Việt Nam nhận thấy được tầm quan trọng của FII nên thời gian gần đây đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn vốn này. Trong tương lai khi có nhiều quy định cởi mở hơn cho nhà đầu tư thì lượng vốn FII sẽ đuổi kịp hoặc không bị cách quá xa nguồn vốn FDI.
ANH KHUÊ