Trải qua 360 phút, mành lưới của U23 Việt Nam mới 1 lần bị chọc thủng. Thông số kỹ thuật dường như quá hoàn hảo, nhưng chừng ấy đã đủ chứng tỏ, hàng thủ của U23 Việt Nam đạt đến sự an toàn tối đa?
Số 2 thành số 1
Chỉ một vài tình huống gây mất lòng HLV Falko Goetz ở trận gặp Philippines, Tuấn Mạnh lập tức bị điều chuyển lên ghế dự bị. Thay vào đó, Bửu Ngọc bắt liền 3 trận và 270 phút được thủ môn người Đồng Tháp giữ đền, U23 Việt Nam trắng lưới. Thông số kỹ thuật và sự tin tưởng, gần như đặt trọn vẹn vào Bửu Ngọc, biến thủ môn này thành lựa chọn số 1 của ông Goetz.
Kể ra, 3 trận “gác đền”, Bửu Ngọc đã có những tình huống cứu bóng xuất thần, như tình huống bay người cứu thua từ pha không chiến của tiền đạo Đông Timor. Tuy vậy, cái hên của Bửu Ngọc là đối thủ của U23 Việt Nam quá yếu hoặc cái vía của thủ môn người Đồng Tháp làm át khả năng thủng lưới. Trận thắng Brunei là thí dụ, thủ môn này gần như không phải hoạt động. Hoặc như pha sút phạt cuối trận gặp Myanmar, Bửu Ngọc đã đứng nhìn, nhưng bóng lại dội xà ngang.
Việc Bửu Ngọc lấy vị trị của Tuấn Mạnh và giữ trắng lưới trong 270 phút, rõ ràng là chọn lựa đúng của ông Goetz khi thay người giữ đền. Nhưng quyết định của ông thầy người Đức đã hoàn hảo hay chưa, sự kiểm chứng còn cần thêm những bài kiểm tra mạnh hơn.
Điều đó đặt Bửu Ngọc vào tư thế sẵn sàng, bởi đến bán kết, đối thủ nguy hiểm lẫn tính chất của trận knock-out, đòi hỏi thủ môn này phải thể hiện được bản lĩnh trận mạc của số 1 hoàn hảo.
Nói tóm lại, so với SEA Games 25 trên đất Lào, vị trí gác đền của U23 Việt Nam không đạt độ tin tưởng tuyệt đối như cách Tấn Trường thể hiện. Nhưng bù lại, độ chênh trình độ giữa 2 thủ môn không nhiều, vì vậy, dù đổi vai cho nhau thì cũng ít tạo ra xáo trộn. Đó vừa là ái ngại, vừa là cái may cho HLV Falko Goetz.
Khỏe đều hay yếu đều?
Đến giờ, cả 8 hậu vệ của U23 Việt Nam đều có cơ hội ra sân. Trong đó, 2 hậu vệ cánh Âu Văn Hoàn, Chu Ngọc Anh để lại dấu ấn nhiều nhất, cả trong công lẫn thủ. Riêng cặp trung vệ, tìm độ hoàn hảo tối đa, đấy lại là bài toán khó cho ông Goetz.
Khi Long Giang dưỡng thương, cặp trung vệ số 1 của U23 Việt Nam là Lâm Anh Quang - Huỳnh Phú. Tuy vậy, kể từ khi trung vệ gốc Tiền Giang trở lại, U23 Việt Nam liên tục xáo đổi, trong đó Long Giang làm trung tâm, Anh Quang, Huỳnh Phú hay Dương Thanh Hào làm vệ tinh xung quanh.
Tính toán của ông Goetz rất dễ lý giải: Long Giang giàu kinh nghiệm, thậm chí đã đeo mác tuyển, cho nên, ông mới chọn trung vệ người Tiền Giang làm điểm tựa.
Cái khó cho ông Goetz là Long Giang hiện tại như chiếc bình thủy tinh, mong manh dễ vỡ. Cái gối chưa lành khiến Long Giang không thể đạt 100% phong độ, thậm chí dễ đặt vào thế nguy hiểm, giống như khi trung vệ này khập khiễng rời sân ở trận gặp Đông Timor. Vậy nên, việc ông Goetz chọn Long Giang làm “số 1”, xem chừng là lựa chọn mạo hiểm.
Vẫn đề ở chỗ, trung vệ chỉ đạt 80% phong độ như Long Giang đã là số 1 thì bộ đôi án ngữ ở cái yết hầu U23 Việt Nam đã đạt chỉ số an toàn tối đa? Rõ ràng là mọi thứ còn quá nhiều “màu hồng” cho ông Goetz đi trên đó. Nhưng mọi thứ sẽ khác ở bán kết hay chung kết, bởi lúc ấy, những sai lầm ngớ ngẩn kiểu Huỳnh Phú biếu 3-4 cơ hội cho tiền đạo Myanmar khai thác sẽ không được phép xảy ra.
U23 Việt Nam đang có hàng thủ đạt độ an toàn tốt nhất nhì SEA Games 26. Nhưng danh và thực, phải đường dài mới biết ngựa hay hoặc dở.
Thanh Chi