Từ siêu thị sách
Câu chuyện hệ thống nhà sách của Công ty Phát hành sách TPHCM, sau này trở thành Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa), vẫn được nhắc đến mỗi khi nói về sự biến đổi của văn hóa đọc trong nước. Từ các hiệu sách kiểu cũ như những cửa hàng mậu dịch, Fahasa đã có sự thay đổi mang tính cách mạng khi mở các siêu thị sách - nơi người mua sách có thể tùy ý tham quan, đọc thử, chọn lựa sách như trong một siêu thị hàng hóa thông thường. Bây giờ điều này đã trở thành tất yếu, dù lúc siêu thị sách đầu tiên xuất hiện tại Fahasa Nguyễn Huệ, mô hình này vô cùng xa lạ với người dân.
Có thể nói với sự chuyển hóa qua mô hình siêu thị, sách đã có sự thay đổi về bản chất khi tiếp xúc với bạn đọc. Thay vì xa cách, mang tính “mậu dịch” như trước, giờ không cần phải mua, bạn đọc cũng có thể trực tiếp tiếp cận với sách một cách dễ dàng và thoải mái. Siêu thị sách cũng cho phép mở rộng quy mô để có lượng sách lớn và đa dạng hơn các hiệu sách kiểu cũ. Mô hình hiệu sách nhỏ dần lụi tàn, hoặc chỉ tồn tại lay lắt. Chị Thanh Vy, chủ một hiệu sách nhỏ ở mặt tiền đường Lê Quang Định cho biết, hiệu sách của chị tồn tại do truyền thống gia đình lâu năm, khách đa phần là người dân xung quanh và doanh thu cũng chỉ đủ để tồn tại nhờ không phải thuê mặt bằng. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, sau này có lẽ thế hệ con chị sẽ không duy trì hiệu sách nữa, bởi thực tế công việc thì vất vả trong khi lợi nhuận lại không bao nhiêu.
Không có gì khó hiểu khi các nhà sách sau này đều hoạt động theo hình thức siêu thị sách.
Đến thành phố sách
Là người tiên phong, Fahasa dần chiếm ưu thế áp đảo trong ngành phát hành sách. Thương hiệu Fahasa đã phần nào chuyển từ danh từ riêng - chỉ một đơn vị, sang danh từ chung - chỉ một nhà sách lớn. Thế nhưng, với các nhà phát hành khác, điều này còn là một áp lực lớn trong cạnh tranh. Ban đầu các đơn vị phát hành khác cũng chạy theo mô hình nhà sách của Fahasa, với đặc trưng cơ bản “sách nhiều nhất”, thế nhưng với các ưu thế vượt trội về số lượng nhà sách, đơn vị Fahasa trở nên không có đối thủ. Ví dụ một tác giả ở TPHCM ra sách, nếu giao sách cho một nhà phát hành khác thì sách chỉ bán ở TP, hay cùng lắm thêm một số tỉnh thành khác, ngược lại nếu giao Fahasa, sách sẽ đến các nhà sách của họ dù ở Tây Nguyên, Hà Nội, Nghệ An hay Cà Mau…
Công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị thành công nhất trong sự thay đổi hình ảnh nhà sách, vô tình dẫn đến những thay đổi về văn hóa đọc. Một trong các thay đổi nổi bật của hệ thống nhà sách Phương Nam (PNB) là mở rộng khoảng không giữa các kệ sách để đặt các hàng ghế. Điều này đồng nghĩa làm giảm số lượng sách trong nhà sách, nhưng lại tạo không gian thoải mái để khách tìm sách có chỗ đọc thử. Đây có thể xem là hệ thống nhà sách đầu tiên chính thức cho phép bạn đọc thoải mái đọc sách trong nhà sách. Để tránh bị tụt hậu, các hệ thống nhà sách khác cũng lập tức áp dụng mô hình trên và đến nay, gần như mặc định bạn đọc có thể tự do đọc sách trong các nhà sách.
Thừa thắng xông lên, PNB gần đây lại gây ấn tượng mạnh với một nhà sách kiểu mới tên gọi Thành phố sách. Đây là một dạng nhà sách lớn nhất nước hiện nay, với diện tích trung bình khoảng 3.000m2, tức gấp 10 lần một nhà sách trung bình, nơi đây vừa có sách đa dạng, đồng thời có không gian thư giãn đọc sách. Đặc biệt, Thành phố sách còn là nhà sách đầu tiên gắn kết trực tiếp với mô hình cà phê sách, thay vì phải chọn mua sách xong, di chuyển qua khu vực cà phê như trước, thì nay bạn đọc có thể vừa đọc sách, vừa gọi dịch vụ phục vụ tại chỗ.
Sự cạnh tranh và thay đổi của các hệ thống phát hành sách trong nước đã kéo theo cả sự biến đổi của văn hóa đọc. Nếu PNB đi theo hướng gia tăng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu cao của bạn đọc TP, nhất là những bạn đọc có điều kiện, thì hệ thống của Fahasa lại trải rộng và đến gần với bạn đọc do tiết giảm được chi phí từ sự chuyên nghiệp trong tổ chức. Chẳng hạn như khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Tây Ninh từng bị xem là điểm trũng văn hóa đọc thì với việc mở nhà sách lớn đã giúp bạn đọc tại đây có thể tiếp cận với sách tương đương với khu vực trung tâm TP.
Với việc các nhà sách ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, hệ thống nhà sách đang dần trở thành trụ cột của văn hóa đọc. Đây vốn dĩ là nhiệm vụ của hệ thống thư viện, nhưng trong tình hình thực tế, khi thư viện công cộng đang gặp nhiều khó khăn thì các nhà sách đang giữ vai trò thay thế. Có thể nói chính các nhà sách đang giúp cho đời sống văn hóa đọc trở nên sôi động, đầy sức sống và với sự có mặt của các đường sách, đời sống ngày nay còn trở nên đa dạng hơn.