Chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại mang nhiều sắc màu ngoại lai đến vậy! Trong khi lực lượng kế thừa văn hóa nghệ thuật Việt vẫn đang vật vã với trào lưu lai ngoại ấy. Đó là nhận xét của những khán giả, công chúng quan tâm đến sự phát triển của văn hóa nghệ thật nước nhà hiện nay.
Xét về hình thức bên ngoài, sự cố gắng bắt chước phong cách, thời trang, động tác nhảy múa của các nghệ sĩ xứ sở kim chi trong suốt những năm qua vẫn không thể giúp những ca sĩ trẻ - “mầm non” âm nhạc và các vũ đoàn, nhóm múa có thể bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật. Các bộ phim tình cảm Việt Nam phiên bản Hàn Quốc chiếm lĩnh khá nhiều thời lượng phát sóng trên các kênh truyền hình cũng không thể giúp diễn viên diễn hay hơn, phim Việt tạo được tiến bộ hay đặc sắc hơn.
Chưa kể, vài năm trở lại đây, trào lưu của nghệ sĩ thế giới chuộng khoe thân, “lộ hàng”, chụp “nuy”, cùng với lối sống buông thả, thực dụng, nhanh chóng bủa vây làng giải trí. Không ít hoa hậu, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… kém bản lĩnh, lập tức tiếp nhận, thể hiện và đánh mất giá trị, hình tượng đẹp, sự nghiệp sáng sủa đã tạo dựng được trong lòng công chúng trước đó… Tất cả những tồn tại ấy đang khiến lĩnh vực giải trí cứ tưởng sôi nổi mà nhàn nhạt, rầm rộ mà lại có dấu hiệu thụt lùi.
Có phải văn hóa nghệ thuật thời hiện đại là vậy, thực tế sẽ không thể thay đổi? Văn hóa Việt sẽ tiếp tục ngoại lai, kém chất lượng, nặng giải trí? Rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo xoay quanh các vấn đề thực tiễn về sự phát triển bền vững của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà do các cơ quan quản lý ngành văn hóa tổ chức trong những năm qua, nhưng những vấn đề được đúc kết vẫn chưa thể ứng dụng vào thực tế.
Trong khi đó, luật quản lý về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện vẫn chưa được đầy đủ, cụ thể, chi tiết. Các cơ quan quản lý văn hóa ở nhiều nơi còn lơ là công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm thuần phong mỹ tục, đi ngược văn hóa Việt Nam.
Vì thế mà thị trường âm nhạc vẫn còn xuất hiện thêm nhiều sáng tác rẻ tiền, thiếu nghệ thuật; lĩnh vực phim ảnh tiếp tục hoạt động kém sắc; văn hóa nghệ thuật dân tộc tồn tại trong thế bị áp đảo; trên các trang mạng thông tin điện tử vẫn đầy ắp những chiêu trò của nghệ sĩ gây sốc dư luận…
Một khi đạo đức nghề nghiệp bị chính những người hoạt động trong giới văn học nghệ thuật không xem trọng, thì không thể trách cứ việc giá trị người nghệ sĩ không còn, tại sao lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại hoạt động cầm chừng, chất lượng yếu kém. Nếu người nghệ sĩ bản lĩnh, tài năng, kiên định, sẽ không bị đánh bại bởi văn hóa ngoại lai.
Thúy Bình